Phát triển cao su tiểu điền trên đất Cư Ewi
Xã Cư Ewi (Cư Kuin) có 2621.71 ha đất lâm nghiệp đã được quy hoạch sản xuất, đây là nguồn lợi rất lớn trong phát triển cây công nghiệp từ vốn rừng. Từ năm 2007, một số người dân địa phương bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm cao su tiểu điền trên đất rừng Cư Ewi.
Đến cuối năm 2011, diện tích cao su tại Cư Ewi đã phát triển lên trên 198,3 ha với 141 hộ nông dân tham gia trồng cao su. UBND huyện Cư Kuin đã hỗ trợ cho người dân phát triển vùng cây cao su ở Cư Ewi theo phương thức: UBND huyện hỗ trợ mỗi ha 2 triệu đồng, người dân đóng góp 1.900/ha. Ngoài ra, huyện cũng tập trung chỉ đạo cho UBND xã quy hoạch vùng trồng cao su, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Cảnh Danh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: “Sau 4 năm triển khai trồng cây cao su tiểu điền ở Cư Ewi, đến nay có thể khẳng định, cây cao su hoàn toàn thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cây sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân cây cao từ 3 - 3,5m…”.
Ông Cao Nguyên Lâm, ở thôn 1B xã Cư Ewi là hộ trồng cao su tiểu điền sớm nhất theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp với 6 ha cao su. Hiện nay, vườn cao su hơn 3 năm tuổi của ông Lâm (được trồng xen canh trong vườn cà phê già cỗi) phát triển rất xanh tốt. Nhìn hàng cây thẳng tắp, ông Lâm phấn khởi cho biết: ông trồng cao su tiểu điền xen giữa cà phê, cao su phát triển tới đâu thì chặt bỏ bớt cà phê tới đó. Theo kỹ thuật khai thác thì cây cao su 5-7 năm tuổi bắt đầu khai thác mủ và như vậy còn khoảng trên 2 năm nữa, ông Lâm sẽ được khai thác thứ “vàng trắng” này. Chỉ tính lượng mủ thấp thì mỗi năm gia đình ông cũng có trên chục tấn, với giá hiện nay sẽ có thu nhập vài trăm triệu đồng một năm.
Cây cao su đang được kỳ vọng là cây trồng xóa đói giảm nghèo ở Cư Ewi, tuy vậy vẫn còn không ít khó khăn trong phát triển loại cây này. Đó là, người dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư phát triển cây cao su hộ gia đình do thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, trong khi đó đầu tư ban đầu cho cây cao su đòi hỏi phải có số vốn lớn, yêu cầu kỹ thuật thâm canh cao lại thường gặp rủi ro. Bên cạnh đó, các cấp, ngành ở địa phương chưa thực sự quan tâm và chưa có bước đi thích hợp, cụ thể cho phát triển cao su tiểu điền. Phần lớn diện tích trồng cao su tiểu điền trên địa bàn xã hiện nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém gây trở ngại trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Ông Trần Đức Lộc ở thôn 3, xã Cư Ewi cho biết, hiện gia đình ông trồng 4 ha cao su tiểu điền. Ngoài số vốn hỗ trợ 2 triệu đồng/ha của chính quyền địa phương, gia đình ông đang cần một số vốn khá lớn để đầu tư mở rộng diện tích và chăm sóc cao su, nhưng hiện vẫn chưa được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng. Mặt khác vấn đề đầu ra cho bao tiêu sản phẩm cũng đang đặt ra cho ông Lộc nhiều trăn trở bởi vì hiện nay chưa có công ty nào đến đặt vấn đề bao mua sản phẩm. Đây cũng là tâm tư của nhiều hộ dân đã, đang và sẽ tham gia liên kết phát triển cao su tiểu điền. Tất cả những khó khăn này, nếu không kịp thời giải quyết thì chủ trương của huyện Cư Kuin về phát triển cao su tiểu điền sẽ khó thực hiện đúng yêu cầu.
Ông Vũ Văn Toán, Chủ tich UBND xã Cư Ewi cho biết: “Xác định tiềm năng và thế mạnh của địa phương, chính quyền xã đã vận động nhân dân mạnh dạn nhận đất tham gia trồng rừng và mở rộng diện tích trồng cây cao su. Trong số gần 200 ha đã tiến hành trồng thì hiện nay đã có khoảng 4 ha của một số hộ dân đã cho thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, với mỗi ha cao su tiểu điền thu hoạch năm đầu tiên trừ chi phí thu lãi từ 400.000-500.000 đồng/ngày, thu hoạch từ năm thứ 2 trở đi đạt từ 800.000-900.000 đồng/ngày. Trước mắt xã đã tiến hành quy hoạch vùng trồng cây cao su tiểu điền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bảo đảm việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con…”
Ý kiến bạn đọc