Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột)

10:16, 11/11/2011

Trồng rau an toàn theo hướng VietGap là mô hình sản xuất mà người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói chung, xã Ea Kao nói riêng đang triển khai mở rộng, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Vườn rau rộng hơn 2 sào đang kỳ sinh trưởng, phát triển tốt của gia đình chị Phạm Thị Vinh (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những điểm được hỗ trợ thực hiện theo dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP”. Gia đình chị đã gắn bó với nghề trồng rau trên 20 năm, có thể nói nhiều kinh nghiệm, phương thức trồng trọt được chị đúc kết trong quá trình sản xuất và áp dụng có hiệu quả trên vườn rau của mình. Tuy nhiên, với cách sản xuất truyền thống thì chất lượng và sản lượng thu hoạch rau hằng ngày vẫn phải phụ thuộc khá nhiều vào tình hình thời tiết. Chị cho biết: “Trước đây tôi chỉ sản xuất theo kiểu làm tự phát, tự rút kinh nghiệm trong quá trình làm mà không có phương thức bài bản, do vậy phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Có những năm mùa vụ thu hoạch rất tốt, nhưng cũng có những năm thất thu do thời tiết thay đổi đột ngột, mưa úng, nắng hạn… Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, tôi đã thực hiện theo đúng quy trình thì thấy rõ có sự thay đổi trên vườn rau của mình: Cây phát triển đều, khỏe mạnh, rất ít sâu bệnh; việc đánh luống cao, làm giàn đúng cách, trồng cây chắn gió… cũng góp phần giảm thiệt hại đáng kể khi thời tiết xấu; đặc biệt là áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, trồng trọt sẽ hạn chế được việc phun thuốc trừ sâu, giảm lượng phân bón cho rau… từ đó giảm chi phí đầu tư đáng kể”.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân xã Ea Kao.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân xã Ea Kao.
Còn với ông Trần Văn Dần, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Thuận An, và cũng là một trong những hộ thực hiện theo quy trình VietGAP thì lại nhìn nhận, đánh giá: Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là tất yếu để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Áp dụng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. “Có thể nói sau khi được dự án hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật thì đã có sự thay đổi trong phương thức, tập quán canh tác của bà con nông dân nơi đây. Tài liệu được phát tại lớp tập huấn đã được mọi người nghiên cứu rất kỹ, thậm chí còn truyền tay nhau để học hỏi. Hằng tuần Trạm Bảo vệ thực vật thành phố đều cử cán bộ xuống kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Và có thể nói một thắng lợi lớn mà Hợp tác xã Thuận An cũng được “hưởng lợi” đó là đến nay, tuy mới thành lập cách đây chưa lâu, nhưng hợp tác xã đã có nhiều đơn đặt hàng và được các công ty đến đặt vấn đề về ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm…”, ông Dần hồ hởi chia sẻ.

Có thể nói trồng rau an toàn theo hướng VietGap tại xã Ea Kao đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để nhân rộng quy trình sản xuất này, hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, do sản xuất của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất, tay nghề của nông dân, đối tượng sản xuất chính còn khá hạn chế dẫn đến sự lúng túng khi tiếp cận và áp dụng kỹ thuật. Mặt khác, áp dụng quy trình VietGAP, người sản xuất phải có sự đầu tư ban đầu, tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng…

Lan Anh

Ý kiến bạn đọc