Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Mấu chốt là thay đổi nhận thức
Rau an toàn đem lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là an toàn sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn vẫn còn nhiều cái vướng…
Từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột trước đây cũng đã có một số phường, xã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn như phường Tân Tiến, Tân Thành, Thành Nhất, Khánh Xuân, Tân Hòa, Ea Kao, Cư Êbur. Tuy nhiên các mô hình sau khi trình làng rồi cũng chỉ dừng lại ở việc trình diễn, nhân rộng chưa nhiều. Hoặc có một số nông dân áp dụng song diện tích không lớn, không thường xuyên, không tuân thủ hoàn toàn theo quy trình kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau. Nguyên nhân chủ yếu là do người sản xuất chưa thoát khỏi tập quán, thói quen canh tác trước đây. Khi rau bị sâu bệnh, theo quy trình kỹ thuật, người trồng rau phải sử dụng thuốc sinh học ít độc hại, có tác dụng diệt sâu từ từ trong khi bà con thường nóng ruột, phun thuốc hóa học nồng độ cao. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, để bảo đảm an toàn sức khỏe, khi sử dụng thuốc sinh học trừ sâu bệnh hại rau phải cách ly 3 ngày nhưng sử dụng thuốc hóa học phải cách ly hơn 10 ngày.
Rau an toàn phải có chứng nhận, tạo cơ sở pháp lý để gây dựng lòng tin ở người tiêu dùng. |
Đối tượng phục vụ cuối cùng, điểm tập kết cuối cùng của sản phẩm là người tiêu dùng. Bước chân ra chợ, không riêng gì mặt hàng rau quả, các “thượng đế” thường bị bắt mắt bởi những món hàng ngon, xanh non. Nhưng màu sắc, kích thước của rau quả làm theo quy trình sản xuất an toàn nhìn cảm quan hầu hết không hấp dẫn như sản phẩm làm theo công nghệ kích thích tăng trưởng, sử dụng nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là chưa kể nếu hạch toán cụ thể, chi ly, giá cả sản xuất rau an toàn thường cao hơn cách làm truyền thống. Điều này không phải người tiêu dùng nào cũng nhận thức và chấp nhận, nhất là khi thường trực tâm lý băn khoăn, nghi ngờ địa chỉ, xuất xứ của rau và hơn hết ai chẳng muốn mua rẻ. Một số địa phương, hợp tác xã tìm lối thoát bằng việc thành lập cửa hàng hoặc quầy bán rau an toàn nhưng cũng rất khó khăn để trụ vững vì lý lẽ của người tiêu dùng “ai kiểm soát, quản lý chặt chẽ được nguồn hàng?”.
Nỗ lực nhằm thay đổi nhận thức, việc làm của người sản xuất và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, ngày 9-7-2010 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu sản xuất rau an toàn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng hiệu quả kinh tế bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng bảo vệ môi trường và tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn giai đoạn 2010-2012 và định hướng 2020. Quy mô của dự án: diện tích gieo trồng rau an toàn đến năm 2020 là 4.950 ha. Vùng quy hoạch được xây dựng trên địa bàn 6 huyện, thị, thành phố gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pak, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn với 25 xã, phường, thị trấn. Với tổng kinh phí 378 triệu đồng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã và đang triển khai 15 lớp tập huấn, 6 mô hình về sản xuất rau an toàn ở 7 huyện, thị, thành phố gồm: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pak, Ea Kar và Krông Bông. Mỗi lớp tập huấn được tổ chức trong 4 ngày, có tham quan thực tế trên đồng ruộng, số lượng học viên khoảng 30 người là những nông dân có diện tích trồng rau với nội dung học tập: hiểu biết về hệ sinh thái đồng ruộng; cách nhận biết, xử lý bệnh hại trên cây rau; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả. Đối với các mô hình, hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ về giống, phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật; dự kiến đến đầu tháng 12, Chi cục sẽ tiến hành nghiệm thu và hội thảo đầu bờ. Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Phòng Kỹ thuật – Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Trồng và sử dụng rau an toàn không ai có thể phủ nhận tính ưu việt. Tuy nhiên để tạo thành “nếp” cho người sản xuất và gây dựng được lòng tin cho người tiêu dùng, không thể một sớm một chiều do tập quán canh tác đã hình thành quá lâu. Các chương trình trên đây mấu chốt là nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người sản xuất rau; sau đó những bước đi tiếp theo mới tính đến việc chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, tiêu thụ có cơ quan quản lý đóng dấu, chứng nhận rau an toàn.
Ý kiến bạn đọc