Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới mô hình phát triển cà phê bền vững

10:30, 30/12/2011

Cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực và mang tính đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, nhất là tại địa bàn Dak Lak. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi khác, cây cà phê đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Điều đáng mừng là hiện nay bà con nông dân đang dần chú trọng đến việc phát triển các mô hình cà phê bền vững.

Loại cây cho thu nhập cao
Lợi thế về chất đất, địa hình của Dak Lak rất phù hợp cho cây cà phê phát triển. Có lẽ vì thế mà  từ lâu cây trồng này đã bén duyên với cuộc sống, con người nơi đây, góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn, và mỗi khi nhắc đến Dak Lak người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh cây cà phê. Những năm gần đây, giá cà phê nhân trên thị trường tăng cao (từ 10.000- 11.500 đồng/kg năm 2005, đến nay có thời điểm tăng lên 52.000/kg), tạo điều kiện cải thiện nguồn thu nhập cho người nông dân. Mặc dù, so với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác thì trồng cà phê tốn chi phí đầu tư và công chăm sóc cao hơn, song hiệu quả kinh tế luôn được đánh giá khá ổn định; đầu ra của sản phẩm rộng, và rất được coi trọng trên thị trường trong, ngoài nước.

Huyện Cư M’gar có tổng diện tích trên 34.000 ha cà phê, tập trung tại các xã Cư Suê, Ea Tul, Ea Kiết, Ea Kuêh, thị trấn Ea Pôk, Quảng Phú.  Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Kiết cho biết: gia đình anh có hơn 2 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh, nếu trừ các chi phí đầu tư cho vườn cây thì mỗi năm anh cũng thu lãi khoảng 140 triệu đồng. So với một số hộ nuôi gà trang trại, trồng cây hoa màu khác trên địa bàn thì thu nhập từ trồng cà phê cao và ổn định hơn. Đối với các huyện Krông Năng, Krông Buk và thị xã Buôn Hồ là những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh, niên vụ 2011- 2012 này bà con đang rất phấn khởi vì được mùa (năng suất đạt 3,5 - 4 tấn nhân/ha. Ông Lê Rế, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Năng chia sẻ: “Từ lâu cây cà phê được xem là loại cây trồng thoát nghèo của người dân sống trên địa bàn. Nhiều gia đình nhờ trồng cà phê mà trở nên giàu có, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, cây cà phê còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại các địa phương mỗi năm”. Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, ngành nông nghiệp huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây cà phê; đồng thời Phòng NN-PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với nhiều doanh nghiệp liên quan, Sở Công thương mở các lớp tập huấn kỹ thuật, triển khai mô hình phát triển cà phê tiên tiến, bền vững về các xã, từ đó bà con tham gia, ủng hộ rất nhiệt tình.

Các mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững luôn cho hiệu quả năng suất vượt trội.
Các mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững luôn cho hiệu quả năng suất vượt trội.

Hướng đến mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững
Dak Lak không chỉ có diện tích cà phê lớn nhất nước (gần 200.000 ha), mà những năm gần đây, chất lượng cà phê cũng luôn được các chuyên gia đánh giá rất cao, góp phần để Việt Nam giữ vững vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhân. Những nỗ lực để nâng cao thương hiệu cà phê Dak Lak, không thể không kể đến vai trò của người trồng cà phê cùng sự phối kết hợp của các nhà khoa học, các ban, ngành liên quan trong việc tích cực đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật về với người nông dân, bước đầu đem lại những thắng lợi khả quan. Hiện có rất nhiều công trình nghiên cứu về “Mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững” theo tiêu chuẩn quốc tế được ứng dụng tại Dak Lak thông qua hàng trăm mô hình ở các địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Hồ, với diện tích trên 20.000 ha (chiếm khoảng 10% tổng diện tích cà phê của tỉnh). Đây được xem là bước đột phá trong sản xuất cà phê Dak Lak. Từ quy trình sản xuất khép kín của các mô hình trên, hứa hẹn không bao lâu nữa chất lượng cà phê Việt Nam sẽ đủ sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: việc sản xuất cà phê bền vững đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình khép kín, ngay từ khâu trồng cà phê phải đúng kỹ thuật, phù hợp với từng loại thổ nhưỡng và khí hậu; khâu chăm sóc cũng phải bảo đảm an toàn cho cây cà phê để không bị sâu bệnh, ít rủi ro nếu điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đến khi thu hoạch phải hái chín, hái đúng quy trình… Nhờ thế, các mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững có năng suất cao hơn cà phê sản xuất thường từ 7 tạ- 1 tấn nhân/ha, và chất lượng luôn được đánh giá cao; khi bán ra thị trường, các đại lý thường mua giá cao hơn các loại cà phê thường khác từ 250- 500 đồng/kg cà phê nhân. Điều đó đang thu hút người trồng cà phê tham gia thành lập các nhóm hộ để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Trần Văn Cảnh ở thôn Thống Nhất, xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho hay: nhóm trồng cà phê của ông gồm 6 hộ dân đã được Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (địa chỉ tại tỉnh An Giang) và Công ty 2 - 9 (tại Dak Lak) triển khai mô hình trồng cà phê sạch theo hướng bền vững từ năm 2006, đến nay đã cho hiệu quả cao hơn hẳn trước đây. Cây sinh trưởng rất tốt, khả năng đậu quả nhiều, hạt mẩy, năng suất, chất lượng cao. Đã có nhiều hộ dân lân cận đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, sắp tới ông sẽ vận động thêm bà con trong xã thực hiện mô hình sản xuất cà phê này. Cũng với tâm lý phấn khởi ấy, ông Trịnh Đình Công ở xã Pơng Drang, huyện Krông Buk chia sẻ: “Việc sản xuất cà phê bền vững sẽ được nhà đầu tư cam kết, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn chăm sóc; khi xuất bán sẽ ít lo hơn về giá cả bấp bênh trên thị trường”.

LÊ THÀNH


Ý kiến bạn đọc