Năm 2012: Dự kiến lượng nhập khẩu một số mặt hàng
Bộ Công Thương vừa có dự kiến cân đối cung cầu năm 2012 đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có đề cập đến kế hoạch lượng nhập khẩu một số mặt hàng.
Ảnh minh họa |
Thịt, dự kiến tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2012 tăng 6,2% so với năm 2011, ước đạt 4,5 triệu tấn thịt các loại. Nhu cầu tổng khối lượng thịt các loại tiêu dùng trong nước khoảng 3,3 triệu tấn thịt xẻ quy đổi, tăng khoảng 6,5-7% so với năm 2011.
Phân bón, tổng nhu cầu các loại khoảng 9,6 triệu tấn, sản xuất trong nước khoảng 7,26 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 2,34 triệu tấn. Cụ thể: Nhập khẩu ure 140 nghìn tấn, Kali 900 nghìn tấn, DPA 600 nghìn tấn, SA 700 nghìn tấn.
Đường, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,4 triệu tấn, lượng nhập khẩu (tối thiểu) là 70.000 tấn.
Muối, tổng cung là 1,364 triệu tấn, tổng cầu là 1,21 triệu tấn, dự kiến nhập khẩu 187 nghìn tấn, lượng tồn kho chuyển sang năm 2013 là 154 nghìn tấn.
Thép xây dựng, dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ giữa quý II-2012 khi tình hình kinh tế ổn định hơn, lãi suất cho vay giảm dần giúp khơi thông dòng vốn đầu tư cho bất động sản. Dự kiến lượng thép xây dựng trong nước sẽ tăng trưởng khoảng 5-7%. Nguồn cung từ sản xuất trong nước ước đạt 6,83- 6,95 triệu tấn, nguồn cung từ nhập khẩu năm 2012 khoảng 0,66 triệu tấn (tương đương năm 2011). Lượng thép xuất khẩu năm 2012 ước 0,39 triệu tấn. Cân đối cung cầu thép trong nước hoàn toàn bảo đảm, hiện công suất sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu tiêu thụ.
Xi măng, dự kiến tiêu thụ cả nước khoảng 55- 56,5 triệu tấn. Năng lực sản xuất trong nước đã đã đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và dư thừa. Dự kiến, xuất khẩu xi măng và clinke 4-4,5 triệu tấn, lượng clinke nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn.
Giấy, năm 2012 sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên dự kiến nhập khẩu 1,23 triệu tấn giấy các loại. Đối với bột giấy, nhu cầu tiêu dùng khoảng 575 nghìn tấn (nguồn nhập khẩu khoảng 95 nghìn tấn).
Khí hoá lỏng, năm 2012, tổng nguồn khí hoá lỏng sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 640 nghìn tấn, chiếm 48% nhu cầu, phần còn lại dựa vào nguồn nhập khẩu.
G.T (Theo Bộ Công Thương)
Ý kiến bạn đọc