Người biến rác thải thành... tiền
Gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn của gia đình anh Bùi Thanh Quang (thôn 3, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực; không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sống, mô hình này còn tạo nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nông nhàn địa phương.
Là một kỹ sư ngành lâm nghiệp, đang công tác trong cơ quan nhà nước, nhưng cái duyên đưa anh Bùi Thanh Quang đến với nghề thu gom, xử lý chất thải rắn như một sự tình cờ. “Năm 2.000, trong một dịp đi công tác tại TP. Hồ Chí Minh, tôi gặp và làm quen với ông chủ một cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn; sau khi tìm hiểu, người này ngỏ ý sẽ giúp tiêu thụ nhựa phế liệu nếu tôi mở cơ sở thu gom và phân loại. Thấy mô hình hay và có hướng phát triển lâu dài nên tôi quyết định tìm hiểu cách làm này để về áp dụng tại địa phương”, anh Quang tâm sự. Có thể nói, sự tình cờ đó không chỉ giúp anh từ hai bàn tay trắng trở thành ông chủ một cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn có nguồn thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng (sau khi đã trừ chi phí và tiền thuê nhân công), mà nó còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nông nhàn tại địa phương với mức lương 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng.
Các lao động đang phân loại rác thải tại cơ sở của anh Bùi Thanh Quang |
Như bao nhiêu người làm công khác tại cơ sở thu gom, xử lý chất thải rắn của gia đình anh Bùi Thanh Quang, mới 7 giờ, chị Quách Thị Tĩnh (thôn 2, xã Hòa Thắng) đã bắt đầu công việc phân loại, xử lý chất thải nhựa. Vừa làm, chị vừa kể cho chúng tôi nghe cuộc sống của mình: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, không có ruộng vườn để canh tác, nên ai thuê gì vợ chồng tôi cũng làm để có tiền lo cho 2 đứa con đang đi học. Những buổi đi phụ hồ, gặt thuê, hái cà phê... vẫn không đủ tiền chi tiêu bởi công việc tùy thuộc vào mùa vụ, thời tiết khi có khi không. Nhưng kể từ ngày được nhận vào làm tại cơ sở thu gom rác thải của anh Quang thì cuộc sống của gia đình mới ổn định”. Trung bình thu nhập của chị khoảng 3 triệu đồng/tháng từ việc phân loại chất thải cùng với số tiền đi làm thuê của chồng cũng đã giúp gia đình chị Tĩnh có cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Hay như chị Hoàng Thị Cam (thôn 8) ngoài những lúc đi làm đồng, mỗi khi rảnh rỗi chị lại được nhận vào làm công cho cơ sở thu gom rác của anh Quang để kiếm thêm thu nhập; từ việc bóc bao bì ni lông trên các chai, lọ nhựa, mỗi ngày chị cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Đồng cảm trước cuộc sống khó khăn, vất vả của những người lao động nghèo, anh Bùi Thanh Quang luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho những người làm công tại cơ sở của mình. Bà Bùi Thị Lịch nhớ lại, nhờ anh Quang giúp đỡ nên bà đã trả được số tiền nợ ngân hàng hơn 4 triệu đồng. Bây giờ làm việc tại cơ sở, thu nhập được 3 triệu đồng/tháng, sau khi trích lại từ 300-500.000 đồng/tháng để trả nợ dần cho anh Quang, thì số tiền còn lại cũng giúp bà trang trải cho sinh hoạt gia đình.
Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của anh Bùi Thanh Quang thu gom, xử lý khoảng 40 tấn chất thải rắn các loại để đóng bao bì nhập cho một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Các chất thải rắn thu gom từ các đại lý sẽ được phân loại để xử lý, với các chất thải nhựa cứng sau khi làm sạch, sẽ được nghiền nhỏ; các chai, cốc nhựa sẽ được đưa vào máy ép rồi đóng bao. Riêng với những chất thải nguy hại, không tái chế được, anh Quang đã hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Đông Phương thu gom và xử lý để không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nói về dự định sắp tới, anh Quang chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh, đầu năm 2012 một Hợp tác xã Môi trường sẽ được thành lập trên cơ sở thu gom, xử lý rác thải của tôi. Theo đó, ngoài việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động chế biến tại chỗ để chế tạo sản phẩm và tạo việc làm thêm cho nhiều lao động”.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc