Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP: Trăn trở “đầu ra”

09:23, 02/12/2011

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là tất yếu để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững là hướng đi đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để quy tình sản xuất ấy tồn tại và phát triển vẫn còn là một chặng đường rất dài, nhiều thử thách lớn đối với những người tham gia thực hiện “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP” tại Dak Lak.

 “Đầu ra” cho sản phẩm vẫn là nỗi lo chung của những người tham gia dự án.
“Đầu ra” cho sản phẩm vẫn là nỗi lo chung của những người tham gia dự án.
Trong thời gian qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông sản nhất là rau xanh luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, đặc biệt là rau ăn lá đã gây ảnh hưởng không nhỏ trước mắt cũng như lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng. Việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như sử dụng nước, đất ô nhiễm trong quá trình canh tác  rau xanh tồn tại nhiều yếu tố độc hại có hại cho sức khỏe của con người. Cũng vì thế nỗi lo của người tiêu dùng về chất lượng rau ngày càng lớn, hơn lúc nào hết nhu cầu được sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng lại nhiều như hiện nay, nhu cầu này sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Thế nhưng có một nghịch lý là sản phẩm rau an toàn hiện khó tiêu thụ hơn những sản phẩm cùng loại. Bởi để có sản phẩm rau an toàn đến tay người tiêu dùng đòi hỏi phải trải qua và tuân thủ nghiêm túc nhiều công đoạn phức tạp. Do đó, giá thành sản phẩm đương nhiên sẽ đội lên nhiều so với những sản phẩm ra đời theo phương pháp canh tác thông thường. Trong khi đó, nhận thức cũng như thói quen của người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Vì vậy, dù nhu cầu rất lớn nhưng sản phẩm rau an toàn vẫn khó tìm được đầu ra. Điều đó gây trở ngại không nhỏ đến chiến lược phát triển sản xuất theo hướng công nghệ sạch và là điều băn khoăn của không ít thành viên tham gia dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP” tại Dak Lak. Hộ bà Phạm Thị Vinh (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những điểm được hỗ trợ thực hiện dự án cho hay, mặc dù đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ của dự án nhưng sản phẩm ra đời vẫn có giá thành cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Đây là giai đoạn đầu của dự án nên sự hỗ trợ ấy còn phát huy tác dụng, nhưng nếu về lâu về dài thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Đó không chỉ là nỗi lo riêng của người nông dân mà với cả các doanh nghiệp tham gia dự án. Giám đốc Công ty TNHH Chiến lược xanh Trần Kim Hội cho biết, công ty đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho toàn dự án sản xuất rau an toàn tại thị xã Buôn Hồ. Mặc dù đã xây dựng lộ trình cũng như chiến lược cụ thể cho việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng nguy cơ rủi ro đối với doanh nghiệp vẫn là rất cao.

Còn nhớ cách đây không lâu, Công ty Cổ phần Cao Nguyên Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) đã từng sản xuất thử nghiệm giống rau có chứng nhận và đã tổ chức thành công một số mô hình trồng rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Ea Kar. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã phải dừng lại do sự không ổn định của “đầu ra” sản phẩm. Có thể nói, nhu cầu đối với rau an toàn và khả năng sản xuất rau an toàn là rất lớn. Nói đúng hơn, về lâu dài, trên thị trường chỉ được phép cung ứng và tiêu thụ rau an toàn, tất cả diện tích trồng rau cần phải chuyển sang sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, để rau an toàn thực sự có chỗ đứng trên thị trường không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn để có những sản phẩm rau đạt chất lượng mà ngay bây giờ, người tiêu dùng cũng phải nâng cao nhận thức trong tiêu thụ sản phẩm.

Giang Nam

Ý kiến bạn đọc