Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển rau an toàn
Xuất phát từ các chính sách mang tính vĩ mô về chiến lược phát triển rau an toàn theo hướng VietGAP đến năm 2015 do HĐND tỉnh đề ra, thời gian qua các cấp các ngành, các cơ quan chuyên môn cũng như người trồng rau đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển rau an toàn (RAT).
Với những chủ trương chính sách có sự ưu đãi gần như tuyệt đối đã tạo sức hút quan trọng đối với người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia chương trình. Ngoài ra, việc phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị chuyên môn cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện chương trình này. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Huy Phát, người trực tiếp bám sát chương trình từ khi triển khai đến nay, sự phối hợp hiệu quả của các bên trong đã tạo điều kiện để chương trình đi đúng lộ trình vạch ra. Đối với Chi cục bảo vệ thực vật, với vai trò là đơn vị chuyên môn chủ lực đã giúp cho người nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất RAT. Không chỉ thông qua các buổi tập huấn, các cán bộ khoa học của Chi cục đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, cùng người nông dân sản xuất trực tiếp trên đồng ruộng, nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn bà con đã nhanh chóng nắm bắt được quy trình sản xuất RAT. Các cán bộ của Chi cục thường xuyên bám sát thực tiễn quy trình sản xuất để tạo điều kiện, căn cứ trong việc cấp chứng nhận RAT sau này. Ngoài ra, Chi cục cũng chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với hệ thống bảo vệ thực vật ở các địa phương triển khai dự án trong việc thực hiện nhiệm vụ về sản xuất RAT.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar đang hướng dẫn người dân thực hiện mô hình tưới phun sương. Ảnh: Gia Thịnh |
Khi sản phẩm đã được canh tác theo đúng quy trình đề ra, việc cấp chứng nhận để sản phẩm bước vào thị trường cũng là một khâu cực kỳ quan trọng. Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Sở NN – PTNT tổ chức kiểm tra, thẩm định thực tế, nếu bảo đảm các điều kiện theo qui định thì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Theo một cán bộ phụ trách đánh giá và chứng nhận sản phẩm, Công ty Cổ phần Giám định cà phê và Hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL – chi nhánh Tây Nguyên), việc cấp chứng chỉ cho sản phẩm rau trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến giá trị kinh tế của sản phẩm vẫn chưa được nâng cao. Hoặc việc cấp chứng nhận chưa đi đúng quy trình nên gây mất lòng tin của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Công ty CAFECONTROL sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đây mạnh việc cấp chứng chỉ cho sản phẩm RAT, đồng thời cũng sẽ siết chặt quản lý để việc cấp chứng chỉ đúng với thực chất. Việc làm này không chỉ góp phần giúp cho việc đảm bảo chất lượng rau trên thị trường mà tạo điều kiện để người nông dân nâng cao thu nhập của mình. Cùng với các cơ quan chuyên môn, các địa phương thuộc vùng triển khai dự án cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp tham gia. Ngoài tạo điều kiện nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, các địa phương cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm như tuyên truyền để người dân trên địa bàn sử dụng RAT, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở các cửa hàng RAT…Đây cũng là một yếu tố hết sức quan trong để việc triển khai dự án.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về rau an toàn ngày một mang tính cấp thiết. Hơn nữa, việc phát triển rau an toàn cũng giúp một bộ phận không nhỏ người nông dân thoát nghèo bền vững. Với những bước đi có tính chiến lược như trong thời gian qua, tin rằng sản xuất RAT theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển thành công trong tương lai.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc