Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2011-2012: Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi đi đôi với triển khai các giải pháp đồng bộ

09:21, 02/12/2011

Với mục tiêu phát triển theo hướng an toàn và đạt hiệu quả kinh tế cao, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong vụ đông xuân 2011-2012 là điều kiện cần thiết để hoàn thành kế hoạch sản xuất gần 345.000 tấn lương thực có hạt, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Được đánh giá là sẽ gặp nhiều thuận lợi, vụ đông xuân 2011-2012, toàn tỉnh gieo trồng 38.100 cây trồng các loại, tăng 1.170 ha so với kế hoạch vụ đông xuân 2010-2011, trong đó lúa nước 27.210 ha (tăng trên 1.200 ha), cây ngô trên 3.070 ha (tăng 70 ha).

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi: nguồn nước hiện khá dồi dào, mức nước ở các sông suối đạt cao, hầu hết các hồ cũng đã tích đủ nước để phục vụ sản xuất. Khả năng xảy ra hạn hán như những năm trước không cao vì có thể xảy ra mưa trái mùa vào mùa khô. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đã xây dựng lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp với từng vùng. Theo đó, trà xuân sớm gieo mạ bắt đầu từ 28-11 đến 15-12; trà chính vụ từ 15-12 đến 15-1-2012; riêng trà muộn từ 15-1 đến 15-2-2012. Về cơ cấu giống, đối với vùng chủ động nguồn nước và có điều kiện thâm canh nên ưu tiên sử dụng các giống lúa lai như: TH3-3, TH3-5, Suy6, Nông ưu 28, B-TE1, PHP71, Bio 404…hoặc các giống lúa xác nhận có thời gian sinh trưởng dài, năng suất cao như VND-95-20, V13/2. Đối với các vùng khó khăn hơn trong việc điều tiết nước thì ưu tiên sử dụng các nhóm ngắn và trung ngày, hạn chế dùng những giống dài ngày, tăng cường sử dụng các giống lúa xác nhận, có khả năng chống chịu rầy nâu và đạo ôn như: IR50404, IR64, ML48, AS996, OM2395, OM576, MTL250…Ngoài ra, đối với cây ngô nên sử dụng các giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày; tiến hành gieo sớm để tận dụng độ ẩm của đất. Riêng với các loại đậu đỗ, lạc bố trí gieo trồng sớm trong tháng 11. Trên cơ sở cơ cấu bộ giống của tỉnh, hiện các Phòng NN-PTNT cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để mang lại năng suất, sản lượng cao.

Nông dân các địa phương đang chuẩn bị đất để gieo sạ.
Nông dân các địa phương đang chuẩn bị đất để gieo sạ.
Ngoài việc yêu cầu các địa phương bố trí kế hoạch theo hướng an toàn, hiệu quả, Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong gieo trồng, chăm sóc… các phòng NN-PTNT hướng dẫn bà con gieo cấy tập trung nhằm né rầy nâu di trú; áp dụng rộng rãi biện pháp gieo sạ theo hàng để tiết kiệm giống, chỉ gieo sạ 90-120 kg lúa giống/ha đối với các giống lúa xác nhận và 40-45kg/ha đối với các giống lúa lai. Đặc biệt, cần sử dụng giống lúa tốt, đầu tư thâm canh và cân đối diện tích gieo cấy với khả năng nguồn nước, đất đai, để tránh điều kiện thời tiết bất lợi. Chú ý công tác xử lý, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy như: cày, trục, vùi lúa chét, dọn sạch cỏ bờ. Đồng thời, tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình 3 giảm, 3 tăng (ICM), “1 phải, 5 giảm”… làm tốt công tác dự tính dự báo kịp thời chính xác các đối tượng dịch hại và các biện pháp phòng trừ có hiệu quả đến tận người sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT:  vụ đông xuân năm nay cần đặc biệt coi trọng công tác giống, đó là sử dụng giống lúa lai chất lượng cao gắn với đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất và tạo sự đồng đều về năng suất giữa các vùng, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt trên 61 tạ/ha, diện tích lúa lai đạt 15-20% tổng diện tích gieo cấy. Bên cạnh những giải pháp trên, các đơn vị làm dịch vụ cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón phải đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trên địa bàn; các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, phải thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, khảo nghiệm và sản xuất thử giống mới... cho bà con nông dân.

Thuận Nguyễn

Ý kiến bạn đọc