Multimedia Đọc Báo in

Chợ quê ngày Tết

16:09, 22/01/2012

Chợ quê ngày Tết không chỉ là nơi để trao đổi, bán mua mà có cái háo hức lộ rõ trên gương mặt mỗi người và những nét đặc trưng riêng, mang hồn cốt Tết cổ truyền, nhuần nhị mà sâu xa… Đến chợ để thấy không khí đón Tết đang tất bật, rộn rã và cảm nhận một sắc xuân thôn quê bình yên, ấm tình người…

Khi màn sương còn bao phủ trên những cành cây, từ sáng sớm tinh mơ, đường vào chợ Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đã rộn rã tiếng cười nói, sặc sỡ những sắc áo của phụ nữ Mông địu con xuống chợ, tấp nập người qua lại và đon đả những lời mời chào mua hàng. Cách trung tâm huyện gần 30 km, nên hầu hết các xã lân cận như: Ea Kuêh, Quảng Hiệp và buôn Mông xa xôi… đều về đây để sắm Tết, khắp các ngả đường làng đều đổ về chợ, kẻ bán người mua chen chúc. Sau ngày đưa ông Táo về trời, chợ bắt đầu họp từ rất sớm, khoảng 4-5 giờ sáng chợ đã đông đúc và đến khi trời hửng sáng thì chợ gần như kín đặc người, cảnh mua bán diễn ra hết sức náo nhiệt. Ngày thường chợ họp tầm 9-10 giờ sáng là vãn người, những ngày cận Tết cảnh mua bán có thể kéo dài đến 2-3 giờ chiều, cũng có thể đến khi trời chập tối mới vắng người. Ngoài những dãy lều, sạp để bày bán hàng có mái che được dựng và cho tiểu thương thuê hằng tháng, chợ còn có nhiều khoảng đất trống rộng, vào những ngày chợ Tết, nơi đây được trưng dụng triệt để. Từ chiều ngày 23 tháng Chạp, những người buôn bán ở xa đã đến trải bạt, dựng cọc, che chắn thành những túp lều nhỏ trên những bãi đất trống này để bày bán la liệt những hàng hóa, bánh mứt. Và cũng có cả các loại mứt dừa, khoai, bí… do từng hộ gia đình làm thủ công rồi mang ra chợ bán. Các gian này vẫn đông hơn cả. Do tự làm lấy nên màu sắc không được bắt mắt, trắng trẻo, lát cắt không được đều nhưng vẫn đông khách. Có lẽ tại chất lượng gừng trồng rồi tự làm nên vẫn đắt hàng. Góp thêm cho hương vị Tết, dĩ nhiên không thể thiếu lá dong, lá chuối, củ kiệu xanh mướt, từng nan lạt trắng trẻo được bày ra, rồi những giỏ vạn thọ mướt vàng, hoa nhựa để trang trí nhà cửa cũng được bày bán… Một không khí Xuân đang tràn về. Chỉ tay vào những “gian hàng di động” tại một ngã ba, hàng hóa bày la liệt hai bên đường, được xếp gọn trên một tấm bạt nhựa trải dưới nền đất, một phụ nữ Mông nói: “Chợ nông sản- “đặc sản” chợ quê ngày Tết đó”. Hàng hóa chủ yếu là các nông sản dân dã do nông dân làm ra, từ buồng cau, nải chuối, mấy trái mãng cầu gai, trái dưa leo, củ su hào, mớ nếp, đậu xanh đến vài chục trứng gà, cặp vịt, mẻ cá vừa cất lên, còn giãy đành đạch trên thúng cũng được mang ra bán…  Tất cả những “đặc sản” quê nhà mang ra chợ như một món quà mà thiên nhiên ban tặng ngày Tết đến. Gọi là “bán” cho sang chứ thực ra người ta đến đây chủ yếu để trao đổi, bán ra và mua về thứ mà nhà mình không có, hơn là để kiếm lời lãi từ những buổi chợ này.

Chợ quê có đủ các loại hàng hóa phong phú và đa dạng, chủ yếu là quần áo, vật phẩm thiết yếu cần cho ngày Tết, và có thêm nhiều loại hoa, quả lạ và đẹp mắt - ngoài nải chuối, buồng cau - để mọi người mua về thắp hương, góp phần làm tươm tất hơn mâm cỗ dâng lên ông bà ngày Xuân. Những mặt hàng này chủ yếu được tiểu thương lấy lại từ chợ đầu mối ở trung tâm huyện cách xa hơn ba mươi cây số, dù bày bán sớm nhưng chỉ đắt hàng nhất là vào những ngày cận Tết. Xuất hiện rất sớm ở chợ là những chiếc xe đạp thồ hai chiếc giỏ cồng kềnh hai bên như một “cửa hàng bách hóa di động”, chất đầy các loại nồi, niêu đất. Một tiểu thương cho hay, sở dĩ những người bán nồi, niêu đất thường đẩy bộ bằng xe đạp vì như vậy sẽ chất được rất nhiều hàng, bên cạnh đó mặt hàng này rất dễ vỡ nên đẩy bằng xe đạp là an toàn nhất, mặt khác lại có thể dừng bán ngay dọc đường. Những cửa hàng di động đó đã trở thành nét văn hóa riêng mà không phải chợ nào trong huyện cũng có được. Chị Ngô Thị Tuyết (thôn 5, xã Ea Kiết), người gắn bó hơn 15 năm với những buổi chợ ngày Tết nơi đây, nói: “Đây là mặt hàng không thể thiếu ở chợ Tết vùng quê này. Nhiều người dân ở đây vẫn quen sử dụng nồi đất để kho cá – loại nồi này làm cho món kho trở nên đậm đà hơn”. Ngoài việc bày bán hàng hóa, bánh mứt, chợ Tết cũng có một khu vui chơi dành cho trẻ em. Có lẽ vì thế mà dịp này bao giờ cũng được tụi trẻ ở quê mong chờ nhất. Người ta dựng các cây tre, các mảnh gỗ và dùng dây vây lại làm khu vui chơi, thu hút nhiều người, song chủ yếu vẫn là bọn trẻ con đến chơi các trò như: ném vòng cổ chai, phóng phi lao, ném bóng, đi ngựa gỗ… Cũng như nhiều gia đình khác ở buôn Mông (xã Ea Kiết - cách chợ Ea Kiết hơn 15 km) anh Sùng Seo Sừ dắt theo hai đứa con nhỏ của mình đến chợ Tết, mua một vài nhu yếu phẩm cần thiết và chủ yếu để cho tụi nhỏ thỏa sức vui với các trò chơi. Những buổi chợ cuối năm là dịp mà lũ trẻ con trong buôn mong đợi nhất, vì chúng được cha mẹ cho đi theo chơi. Lũ trẻ sẽ mổ heo, gom tiền lì xì từ Tết năm trước để tự do mua những thứ mình thích, hoặc tham gia các trò chơi có thưởng, nếu gặp may thì cũng có thêm những phần quà Tết.

Phụ nữ H’Mông địu con xuống chợ, mua hàng hóa, vật phẩm cho ngày Tết
Phụ nữ H’Mông địu con xuống chợ, mua hàng hóa, vật phẩm cho ngày Tết

Chợ quê ngày Tết nên cảnh sắc đông vui, người cũng nhộn nhịp hơn. Đó là những phiên chợ kiểu “làm cả năm, chỉ để dành đi chợ 3 ngày Tết” đã trở thành nếp nghĩ đặc trưng không dễ gì thay đổi được ở các vùng quê. Cũng có nhiều nhà chờ đến cận Tết mới sắm sửa, nên họ đến chợ đơn giản chỉ để xem hàng, chào hỏi nhau thân tình, nói chuyện đồng áng, mùa vụ năm qua hay mời nhau đến chơi nhà… Thành ra, chợ quê ngày cuối năm, không thể thiếu những câu hỏi như: “Tết này, thằng Hòa, cái Mai có về không?” hay họ thông báo cho nhau năm nay nhà đã mổ con lợn 20 ký để ăn Tết, và đã sắm được món này, món nọ cho ngày Xuân… Những lời thăm hỏi đó dường như đã ăn sâu vào lòng người, trở thành một thứ hồn quê, mộc mạc, chân tình…

 Đỗ Lan- Văn Lệ

 


Ý kiến bạn đọc