Multimedia Đọc Báo in

Những nhà khoa học gắn bó cùng nhà nông

22:31, 19/01/2012

Trong liên kết 4 nhà, nhà khoa học luôn đóng một vai trò tích cực trong việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Mỗi thành tựu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất là kết quả của nhiều đêm không ngủ, của những tháng ngày gắn bó cùng nông dân trên ruộng đồng. Họ như những con tằm “rút ruột nhả tơ” để góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến.

Tâm huyết của một nhà khoa học và triển vọng thoát nghèo cho nông dân
Hơn 20 năm nay, Thạc sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng bộ môn Cây lương thực và thực phẩm, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã dành tất cả tâm huyết của mình nghiên cứu, chọn ra những loại giống cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đề tài nghiên cứu quan trọng nhất của anh là “Nghiên cứu phát triển một số cây trồng ngắn ngày (đậu tương, lạc và lúa nước) có triển vọng trên vùng đất xám huyện Krông Bông tỉnh Dak Lak” đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo cho người nông dân địa phương.

Năm 2007, trong chuyến đi Krông Bông cùng cộng sự nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu đánh giá đất đai làm cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, anh Đàn nhận thấy vùng này phần lớn là đất xám bạc màu, khả năng giữ nước, phân bón kém; bên cạnh đó, trình độ canh tác của nông dân còn thấp, việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất cây trồng rất thấp, kéo theo đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để chia sẻ khó khăn với người nông dân, anh đã dồn tâm sức thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển một số cây trồng ngắn ngày (đậu tương, lạc và lúa nước) có triển vọng trên vùng đất xám huyện Krông Bông tỉnh Dak Lak”.

Anh Đặng Bá Đàn và nông dân xã Cư Pui trên đồng ruộng (ảnh: Minh Thông)
Anh Đặng Bá Đàn và nông dân xã Cư Pui trên đồng ruộng (Ảnh: Minh Thông)

Thời gian thực hiện nghiên cứu là chuỗi ngày vất vả dưới đồng ruộng, cùng ăn cùng ở với bà con nông dân. Khi về thực tế ở các địa phương, một số người tỏ ra hồ nghi về công việc của nhà khoa học, phải thuyết phục nhiều lần, anh mới đưa được giống cây về trồng thử nghiệm. Các loại giống đậu tương HL 203, lạc GV 3, lúa SYN 6 được phát cho người nông dân trồng trên các diện tích đất xám mà các loại cây trồng khác chỉ đạt năng suất rất thấp (ở các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao). Anh hướng dẫn cụ thể kỹ thuật chăm sóc cây đúng khoa học cho người dân; ban đầu các hộ còn bỡ ngỡ khi cây trồng gặp sâu bệnh, anh phải về tận nơi kiểm tra, hướng dẫn cách khắc phục. Không phụ lòng người, vụ mùa năm đó bà con được mùa lớn, đồng nghĩa với kết quả nghiên cứu của anh đã thành công. Đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa huyện Krông Bông càng thêm yêu quý nhà khoa học tận tâm. Một trong những người đầu tiên được hưởng lợi từ đề tài khoa học trên là bà Lê Thị Hai, thôn Điện Tân, xã Cư Pui. Năm 2008, bà bắt đầu gieo trồng các loại giống lúa, lạc, đậu nành trên đất bãi thay cho các loại cây trồng khác kém hiệu quả. Nhờ biết cách chăm sóc nên các loại cây này phát triển tốt, cho năng suất cao, thu nhập cao hơn trồng ngô, sắn gần 5 triệu đồng/năm. Không những thế, bà còn bán giống cây cho người dân ở Yang Mao, Cư Drăm để mở rộng diện tích. Các loại giống mới có ưu điểm ngắn ngày, khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao nên được người dân ưa chuộng. Những loại cây trồng này đang “bén duyên” trên vùng đất xám Krông Bông với năng suất rất khả quan: đậu tương HL203 đạt 19,8 tạ/ha, lạc GV3 23,1tạ/ha, lúa SYN 6 gần 90 tạ/ha, cao hơn các loại giống khác gieo trồng tại địa phương. Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hộ ở các xã cánh Nam của huyện Krông Bông đưa vào trồng các loại giống mới góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thạc sĩ Đặng Bá Đàn chia sẻ: “Điều quan trọng là những nghiên cứu của mình đã được triển khai rộng rãi trên thực tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân”. Tiến sĩ Y Ghi Niê, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá: việc đưa các loại giống như lúa SYN 6, lạc GV3, đậu tương HL 203 vào trồng tại huyện Krông Bông là rất phù hợp; có thể mở rộng diện tích, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải thiện thu nhập của người dân nơi đây.

Tiến sĩ của nhà nông
Tiến sĩ Trương Tấn Khanh, Phó Trưởng Khoa Chăn nuôi - Thú y (Trường Đại học Tây Nguyên) được người dân huyện Ea Kar gọi thân mật là “Tiến sĩ của nhà nông”, bởi ông là người đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu và triển khai trồng các giống cỏ chất lượng cao để cải thiện hệ thống chăn nuôi trong nông hộ nhỏ trên vùng đất này.

Tiến sĩ Trương Tấn Khanh  (ảnh: Thế Hùng)
Tiến sĩ Trương Tấn Khanh (Ảnh: Thế Hùng)

Ea Kar lâu nay được biết đến là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh nhất tại Dak Lak. Thực tế cho thấy, chất lượng đàn bò phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thức ăn, những nơi có đàn bò chất lượng cao là nơi có nguồn thức ăn dồi dào. Tuy nhiên, người chăn nuôi nơi đây vẫn giữ thói quen chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên, trong khi đó các đồng cỏ tự nhiên ngày càng bị thu hẹp (nhất là những tháng mùa khô), tình trạng thiếu hụt thức ăn cho đàn gia súc thường xuyên diễn ra. Trước thực tế đó, để giúp người nông dân cải thiện nguồn thức ăn trong chăn nuôi, năm 2000, Tiến sĩ Trương Tấn Khanh đã dồn tâm lực, trí tuệ để nghiên cứu và tiến hành trồng thí điểm các giống cỏ thích nghi với vùng đất Ea Kar. Miệt mài nghiên cứu trong số hơn 70 giống cỏ thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam, ông đã tuyển chọn được 20 giống có thể trồng trên những vùng đất chua, phèn, vùng đồi trọc, thảo nguyên ở các tỉnh Tây Nguyên. Riêng huyện Ea Kar ông đã tiến hành trồng thí điểm 6 giống cỏ chất lượng cao gồm: cỏ Sả, cỏ Voi, Mulato, Stylo 184, Paspalum và VA06. Tuy nhiên, khi bắt đầu trồng thí điểm các giống cỏ này ông gặp khó khăn bởi lúc bấy giờ chỉ có 25 hộ dân nhận trồng trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Và rồi, không phụ lòng người, chỉ sau khoảng 3 tháng chăm sóc, những giống cỏ trồng thí điểm đã sinh trưởng, phát triển nhanh và cho những kết quả hết sức khả quan. Từ đó, số hộ trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi ngày một tăng, sau 5 năm đã có thêm 2.058 hộ nông dân trồng cỏ (diện tích trung bình mỗi hộ lên tới 1.150m2); góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng thâm canh. Phương thức chăn nuôi bò trong huyện nhờ đó có bước chuyển mới theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao để cung cấp cho thị trường. Sự phát triển giống cỏ mới là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng tỷ lệ chăn nuôi bò lai tại huyện Ea Kar. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên người dân đã chuyển sang mô hình nuôi nhốt và bán chăn thả. Trâu bò được chăn nuôi theo mô hình này có tốc độ sinh trưởng và phát triển cao hơn so với trâu bò chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên. Số lượng đàn bò của Ea Kar nhờ đó tăng lên một cách nhanh chóng. Năm 2003, tổng đàn bò của huyện là 11.187 con, đến năm 2005 đã tăng lên 28.630 con (tăng 155%, trong khi tỷ lệ tăng toàn tỉnh 55%). Số bò bán ra thị trường cũng tăng một cách đáng kể, từ 8.000 con (2005) lên đến 15.000 con (2008). Sản phẩm bò thịt của Ea Kar không chỉ có mặt trên thị trường Dak Lak mà còn được bán tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang...  

Anh Nguyễn Văn Kiên, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar cho biết: trong hơn 8 năm nghiên cứu và phát triển cây cỏ trồng, TS Trương Tấn Khanh đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển chăn nuôi bò của huyện Ea Kar nói riêng và toàn tỉnh Dak Lak nói chung, giúp người dân nơi đây thay đổi phương thức chăn nuôi từ quảng canh sang thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ứng dụng thành công chế phẩm sinh học
Biến rác thành nguồn phân vi sinh hữu cơ - điều mà trước kia chỉ nằm trong ý nghĩ của nhiều nông dân thì giờ đây đã thành hiện thực. Chỉ cần một gói nhỏ chế phẩm sinh học cộng với các phụ liệu, người nông dân có thể biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp trước kia thường bị vứt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch như: rơm, vỏ ngô, vỏ cà phê…thành nguồn phân bón vi sinh hữu ích cho cây trồng và môi trường sinh thái. Đó là thành công của kỹ sư Nghiêm Thị Minh Thu và các cộng sự thuộc Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN) trong việc ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nông dân huyện Cư M’gar ứng dụng chế phẩm sinh học - men vi sinh để ủ vỏ cà phê làm phân bón vi sinh. ảnh: Thuận Nguyễn
Nông dân huyện Cư M’gar ứng dụng chế phẩm sinh học - men vi sinh để ủ vỏ cà phê làm phân bón vi sinh. (Ảnh: Thuận Nguyễn)

Kỹ sư Nghiêm Thị Minh Thu cho biết: Hằng năm lượng phế phụ phẩm thải ra trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong sơ chế nông sản tại Dak Lak rất lớn, lên đến hàng nghìn tấn. Lượng phế thải này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu cacbon, nếu được xử lý bằng phương pháp sinh học, sản phẩm sẽ được bổ sung thêm một số vi sinh vật có ích như: vi sinh vật cố định nitơ, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật đối kháng vi khuẩn gây bệnh thực vật… có tác dụng làm cho đất tơi xốp, cải thiện các đặc tính của đất, nhất là khả năng giữ nước. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi đã thực hiện dự án Hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng men ủ vi sinh để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại Dak Lak.
Khi xây dựng các mô hình thí điểm ứng dụng chế phẩm men ủ vi sinh vật trong xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu, phân bón hữu cơ và mô hình sử dụng phân bón hữu cơ sản xuất từ phụ, phế phẩm nông nghiệp trên một số đối tượng cây trồng như cà phê, tiêu, ngô, rau…, nhiều nông dân vẫn còn nghi ngại, chưa thật tin vào các sản phẩm sinh học. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, khi được “mục sở thị” lượng phụ phế phẩm nông nghiệp thải ra biến thành hàng tấn phân vi sinh hữu cơ, giảm cả triệu đồng tiền phân bón, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường… thì nhiều nông dân đã đến tìm hiểu và đề nghị được ứng dụng tại nhà. Ông Nguyễn Văn Tập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) cho hay, từ khi các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để làm phân bón vi sinh thành công, nông dân ở đây rất phấn khởi, hầu hết các hộ đều đề nghị được tập huấn kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, 100% hộ làm nông đã dùng chế phẩm sinh học để xử lý các loại phụ, phế phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học bước đầu đã mở ra cho nền nông nghiệp Dak Lak một hướng phát triển mới, bắt kịp với xu thế của các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Minh Thông-Thế Hùng-Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.