Multimedia Đọc Báo in

Nơi chắt lọc hương vị cà phê

14:47, 21/01/2012

Có bao giờ bạn chú ý đến những vết chai sạn, thấm nhựa cà phê thâm xỉn trên đôi bàn tay của người trồng cà phê? Và bạn có biết hương thơm quyến rũ mà mỗi sáng bạn thưởng thức được chắt lọc từ đất đỏ bazan, từ đôi tay sạm nắng mưa đã qua hơn một trăm năm lịch sử thăng trầm.

Những hạt cà phê chín đỏ được chắt từ nắng gió đại ngàn, góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho người dân trên vùng đất đỏ bazan.
Những hạt cà phê chín đỏ được chắt từ nắng gió đại ngàn, góp phần mang đến cuộc sống no ấm cho người dân trên vùng đất đỏ bazan.

Trong ký ức của ông Y Nao Ayun ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pak - một người sinh ra, lớn lên và gắn bó với cây cà phê cũng đã hơn nửa thế kỷ, những ngày tháng lao động ở Đồn điền Cada vẫn in dấu sâu đậm. Làm công nhân cho đồn điền suốt gần 15 năm, ông thấm lắm những nhọc nhằn để làm ra hạt cà phê; bởi nó gắn liền với nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của người lao động bản xứ, của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Trên đôi bàn tay sạm nắng mưa của ông vẫn như còn nguyên những vết chai sạn một thời sinh – tử với cà phê. Những kỷ vật còn lại của những ngày làm ở đồn điền chỉ là con dao, cái xà gạc, cây cuốc… nhưng được ông cất giữ cẩn thận. Ông bảo, nó nhắc nhớ về một thời gian khổ mà sôi sục ý chí đấu tranh. Và đồn điền cà phê Cada thuở ấy mãi là địa chỉ đỏ không chỉ nhắc nhớ những thế hệ con cháu về những người đã ươm màu xanh bạt ngàn cho vùng đất nơi đây, mà còn khắc ghi về cái nôi của phong trào cách mạng. Và như ông Đoàn Dũng, giám đốc đầu tiên của Nông trường Cà phê Phước An (được thành lập năm 1977, sau khi UBND tỉnh tiếp quản toàn bộ diện tích của Đồn điền Cà phê Cada) chia sẻ trong niềm tự hào: lịch sử của ngành cà phê sẽ mãi nhớ đến “Chiến dịch trồng 1008 ha cà phê” năm 1978. Sau giải phóng trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, vậy mà chỉ trong 3 tháng mùa mưa năm 1978, cả Nông trường hừng hực không khí thi đua lao động đã phủ xanh một vùng đất hoang vu kéo dài 10 cây số, từ Km 19 đến Km 29 QL21 (nay là QL26). Đó quả là một “kỳ tích”! Còn ông Trần Ngọc Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Tháng 10 (tiền thân là Nông trường Cà phê Tháng 10 được chia tách từ Nông trường Cà phê Phước An năm 1989) bảo: những thế hệ công nhân sau này sẽ bước tiếp truyền thống anh hùng cách mạng, tiếp tục hăng say lao động để làm ra những “hạt ngọc” không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn mang trong mình sức mạnh về văn hóa, tinh thần.  

Những hạt cà phê hôm nay mang trên mình sứ mệnh “cất cánh” cho một vùng đất
Những hạt cà phê hôm nay mang trên mình sứ mệnh “cất cánh” cho một vùng đất

Gần một thế kỷ trước, khi những hạt cà phê Buôn Ma Thuột đầu tiên được người Pháp đưa về nước chế biến, tiêu thụ đã đem đến sự bất ngờ cho các nhà rang xay nơi đây bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Để rồi, kể từ khi xuất hiện trên đất nước Việt Nam, đến hôm nay, cà phê đã xác lập một vị thế mà không phải bất cứ cây trồng nào cũng có được, trở thành 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước và là cây kinh tế chủ lực của Tây Nguyên. Riêng với Dak Lak, qua hơn 100 năm kể từ khi những cây cà phê đầu tiên cắm rễ trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, cà phê đã phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cà phê Dak Lak ngày nay đã chiếm 50% sản lượng cà phê cả nước và có mặt tại thị trường của khoảng 80 quốc gia vùng lãnh thổ, góp phần vào thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam, được mệnh danh là “thủ phủ cà phê toàn cầu”. Với Dak Lak, cà phê còn mang trên mình sứ mệnh “cất cánh” của một vùng đất. Năm 2005, cà phê Robusta Dak Lak được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) mang thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã đánh dấu một bước phát triển mới trong chặng đường đầy thách thức của ngành cà phê. Cũng bắt đầu từ đó, cà phê đã trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự của chính quyền với mối quan tâm đặc biệt. Đó là hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu; đó còn là nỗ lực trong việc xây dựng văn hóa cà phê để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thế giới. Từ năm 2005, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, như một minh chứng, một sự khẳng định về tầm quan trọng của cà phê mà có người ví nó như những hạt vàng đen trên cao nguyên đất đỏ. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.

Gần như bất cứ ai khi đặt chân lên vùng đất đỏ bazan, đi giữa bạt ngàn cà phê, nhất là vào mùa hoa bung trắng cả khoảng trời rực nắng, ướp hương khắp mọi nẻo đường của Tây Nguyên cũng phải ngỡ ngàng, thốt lên: thật là một “thiên đường cà phê”. Một thiên đường cà phê được chắt lọc từ lịch sử, từ những mảnh đời nắng gió, để hôm nay, vượt lên giá trị về kinh tế, nó còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa! Cà phê Buôn Ma Thuột đang mang trong mình sứ mạng “kết nối toàn cầu”.  

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.