Multimedia Đọc Báo in

Sức lan tỏa của thương hiệu Việt

22:40, 23/01/2012

Với doanh nghiệp, hạnh phúc gì bằng khi “thượng đế” muốn mua hàng là nhớ đến tên tuổi của mình. Không chỉ là doanh số, sự thuyết phục của hàng nội càng khẳng định sức lan tỏa của thương hiệu Việt. 

 
Mua là… nhớ 
 
Mỗi khi có dịp công tác ở Buôn Ma Thuột, anh Nguyễn Thành Nam (TP. Hồ Chí Minh) đều tìm đến cửa hàng trưng bày sản phẩm của Công ty Cà phê Trung Nguyên mua vài ký cà phê làm quà tặng bạn bè, hàng xóm và để dành trong nhà uống dần. Việc anh chịu khó “tay xách nách mang” cả chục ký cà phê bột hiệu Trung Nguyên từ Buôn Ma Thuột về TP. Hồ Chí Minh là bởi: “Đến xứ sở cà phê lại có bản doanh của cà phê Trung Nguyên nổi tiếng mà không mua về làm quà cho anh em bạn bè thì tiếc quá vì mấy ông bạn của tôi ai cũng “ghiền” loại cà phê này. Thực ra, Cà phê Trung Nguyên là thương hiệu nổi tiếng thì ở đâu cũng có thể mua được, thế nhưng khi mang nó từ nơi xuất xứ về làm quà dường như bạn bè vẫn thích hơn…”. Còn với chị Hoài, người dân ở TP. Buôn Ma Thuột, việc lựa chọn sản phẩm mật ong của Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak để gửi làm quà tặng người thân ở quê dường như đã trở thành việc làm thường niên. Chị cho biết: “Trong một chuyến về thăm quê cách đây khá lâu, tôi đã mua một ít mật ong về làm quà cho bà con họ hàng ngoài Bắc. Sau đó, thỉnh thoảng mọi người lại gọi điện vào nhờ mua giùm vì họ bảo mật ong Buôn Ma Thuột thơm và ngon hơn mật ong ngoài ấy. Thấy mọi người thích và gia đình tôi dùng cũng thấy ngon nên mấy năm nay tôi vẫn thường xuyên mua sản phẩm mật ong của công ty này để làm quà gửi về quê, tuy hơi lỉnh kỉnh một tí nhưng mọi người thích thì món quà của mình cũng ý nghĩa hơn”. 
Hàng nội đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng
Hàng nội đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng
Có thể thấy, khi những sản phẩm đã tìm được “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng thì chỉ cần nhắc đến sản phẩm nào người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến thương hiệu ấy. Chẳng hạn với những sản phẩm thiết yếu như đồ dùng gia đình, thiết bị điện, nước thì có vô vàn những thương hiệu khác nhau. Song, khi cần mua đồ điện không ít người tiêu dùng vẫn “chung thủy” với thương hiệu Điện Quang, hay khi mua đồ  nhựa như tủ quần áo trẻ em, bàn ghế, thậm chí là xô, chậu, rổ rá… nhiều người lại nhớ ngay đến sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến. Sở dĩ, những thương hiệu ấy lưu lại được trong lòng người tiêu dùng là bởi sản phẩm của họ không chỉ đạt được các yếu tố bền, đẹp, giá cả hợp lý mà còn vì mẫu mã, thiết kế cũng thường xuyên thay đổi, phù hợp với cuộc sống hiện đại. 
Còn trong lĩnh vực đồ uống có gas, thương hiệu Bia Sài Gòn (333, Saigon Export, Saigon Special, Saigon Lager, Serepok… ) đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu, không chỉ đối với “dân nhậu” mà kể cả những người thỉnh thoảng mới sử dụng loại thức uống này. Khách hàng cho biết họ lựa chọn Bia Sài Gòn vì chất lượng tốt và ổn định; có hương vị đậm đà, khác hẳn với nhiều loại bia khác và đặc biệt là giá cả phải chăng. Bia Sài Gòn trở thành sự lựa chọn của đông đảo khách hàng thể hiện rõ ở chỗ, chỉ trong thời gian hơn 4 năm, kể từ ngày chính thức đi vào sản xuất, riêng Chi nhánh Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung tại Dak Lak (Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn) đã sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 207 triệu lít bia các loại.
 
Khẳng định chỗ đứng 
 
Tại địa bàn Dak Lak, nhiều thương hiệu đã đứng vững trên thị trường không chỉ trong nước mà đã hướng đến xuất khẩu với số lượng lớn. Thương hiệu DakHoney của Công ty Cổ phần Ong mật Dak Lak là một ví dụ. Tận dụng đặc tính sản phẩm mang tính đặc thù của vùng đất Tây Nguyên, DakHoney đã khẳng định mình, vẫn giữ vững được thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ Nhật Bản, Hàn Quốc… với kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt trên 15 triệu USD trong cơn khủng hoảng toàn cầu. Để có được kết quả đó, việc xây dựng thương hiệu được doanh nghiệp vạch ra lộ trình cụ thể. Trước hết, DakHoney đã đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường nội địa với việc khẳng định chất lượng các loại sản phẩm có sẵn như mật ong, mật ong sữa chúa, nghệ mật ong, phấn hoa…; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới như kẹo mật ong, nước giải khát chế biến từ mật ong… Bên cạnh việc đầu tư vốn, kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi ong để nâng cao chất lượng sản phẩm, DakHoney cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của chính phủ Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới, DakHoney đã triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu mật ong toàn cầu” và Dự án “Cạnh tranh nông nghiệp”. Doanh nghiệp đang xúc tiến đưa chương trình VietGAP đến đông đảo người nuôi ong, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhiều thị trường hơn trong tương lai, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng quốc tế.
 
Còn với Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ngoài việc tìm thêm đối tác, quảng bá thương hiệu, Công ty còn giữ chân khách hàng bằng cách thường xuyên chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã. Theo ông Hồ Ngọc Hồng, đại diện thương mại quản lý địa bàn hai tỉnh Dak Lak – Dak Nông của Công ty cho biết: Trung bình khoảng 4 tháng, đơn vị lại xuất xưởng những mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu khách hàng với phương châm “an toàn, tiết kiệm, thân thiện với môi trường”. Không những thế, để ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình, Công ty còn tổ chức những đợt đưa hàng về nông thôn và tham gia quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện tại, không chỉ nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Điện Quang đã có mặt ở các nước Đông Dương, thậm chí ngay cả thị trường khó tính như nước Mỹ. Với Công ty TNHH Nhựa Đại Đồng Tiến thì để luôn luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường và làm hài lòng người tiêu dùng, từ tháng 6-2011 đến nay doanh nghiệp đã cho ra đời 20 sản phẩm mới; đồng thời xây dựng được mạng lưới với trên 70 nhà phân phối ở khắp cả nước giúp người tiêu dùng có thể tìm mua dễ dàng khi có nhu cầu. 
 
Để có “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng, bên cạnh lợi thế có nguồn nước ngầm chất lượng, Chi nhánh Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Miền Trung tại Dak Lak đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Giám đốc Chi nhánh Huỳnh Văn Dũng cho biết, một trong những biện pháp được Chi nhánh quan tâm đó là phát động phong trào nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm giải pháp hữu ích, cải tiến kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, toàn chi nhánh đã có gần 20 đề tài nghiên cứu được triển khai áp dụng vào thực tiễn sản xuất, như: sử dụng khí thải CH4 đưa vào lò hơi đốt than và rút ngắn thời gian một mẻ lọc trên nồi; tái sử dụng hơi thải của nồi đun sôi Houblon; tận dụng nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp; lắp đặt hệ thống đo đếm năng lượng điện, nước, hơi nhằm giám sát mức độ tiêu hao; ép men thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
 
Những “kênh” lan tỏa hiệu quả
 
Thực tế minh chứng những nỗ lực khẳng định chỗ đứng, tạo sức lan tỏa cho thương hiệu Việt có sự trợ lực rất lớn của hệ thống kênh phân phối, quảng bá sản phẩm. Xuất phát điểm từ văn minh của nền sản xuất nông nghiệp đã tạo cho người Việt có thói quen đi chợ nhất là những chợ phiên ở vùng nông thôn. Vì vậy, chợ truyền thống vẫn được xem là một kênh bán lẻ hiệu quả của Việt Nam. Nắm bắt đặc điểm này, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh của các chợ truyền thống, tạo sức lan tỏa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh với chương trình Tuần lễ kết nối thương hiệu Việt tại các khu vực chợ điển hình giúp doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích thiết thực như quảng bá, giới thiệu về công ty, mở rộng hệ thống phân phối và độ phủ hàng hóa đến các chợ, tăng mức nhận diện thương hiệu; còn các tiểu thương và người mua sắm được dùng thử sản phẩm, mua sản phẩm với giá ưu đãi, làm đại lý hoặc nhà phân phối cho doanh nghiệp. 
 
Với việc Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", dù còn nhiều khó khăn để hàng Việt thật sự được ưa chuộng, nhưng cũng không thể phủ nhận hàng Việt ngày càng có chỗ đứng trên "sân nhà" và tạo được niềm tin với người tiêu dùng. “Thượng đế” đã thay đổi và có những đánh giá khách quan hơn về chất lượng hàng nội địa thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, biên giới, hải đảo...  Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Dấu hiệu đáng mừng và cho thấy sức lan tỏa của hàng Việt là theo điều tra sơ bộ hiện hơn 60% người tiêu dùng quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng nội, nhất là với các sản phẩm dệt may, trong khi qua khảo sát trước đây một năm chỉ có 28% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt. Có thể thấy, thành công lớn nhất của Cuộc vận động không chỉ thể hiện trên những con số cụ thể mà là sức thuyết phục của hàng nội đối với người tiêu dùng.
 
Cũng qua thực tế triển khai, hình thức liên hoan, hội chợ cho thấy những ưu việt trong việc tạo sức lan tỏa cho thương hiệu Việt. Minh chứng gần đây nhất là Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, Thái Nguyên - Việt Nam 2011.  Từ lâu, nói đến ẩm thực trà, không thể không nói đến hương vị trà Thái - vùng đất đệ nhất danh trà nổi tiếng trong nước và quốc tế. Một thứ trà đã trở thành thương hiệu riêng của Thái Nguyên, với đặc tính hương thơm tự nhiên, vị chát nhẹ, ngọt hậu, màu nước vàng xanh hấp dẫn. Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh chè và hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu chè. Liên hoan lần này đã thực hiện tốt vai trò quảng bá, tôn vinh các sản phẩm trà Việt; thực sự là nơi giao lưu, gặp gỡ của người trồng chè, các nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học, người tiêu dùng trà. Thành công hơn cả mong đợi, tỉnh Thái Nguyên mong muốn và đề xuất Chính phủ cho phép được đăng cai tổ chức Liên hoan Trà quốc tế thường niên 2 năm một lần để có nhiều cơ hội tiếp tục tạo sức lan tỏa cho trà Thái – trà Việt. 
 
Đàm Nam Oanh

Ý kiến bạn đọc