Multimedia Đọc Báo in

Giảm tổn thất sau thu hoạch: Kỳ vọng từ một chính sách

09:16, 07/02/2012

Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, tổn thất sau thu hoạch (TTSTH) được đánh giá là điểm yếu khó khắc phục. Vì vậy, Đề án về chính sách giảm TTSTH đối với nông sản giai đoạn 2011-2015 của tỉnh (được kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 thông qua) được xem là hướng mở để khắc phục điểm yếu này.

Thất thoát lớn

Dak Lak được xem là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của cả nước, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như cà phê, cao su, tiêu, điều, ngô, sắn… đều có sự đóng góp lớn của ngành nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, Dak Lak cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, nhất là cà phê, ngô 14-15%, lúa 13-14%, tiêu 9-10%, cao su 5-7%..., chủ yếu tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy và bảo quản. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn; nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của việc giảm tổn thất sau thu hoạch chưa cao, cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, bảo quản, phơi sấy còn nhiều hạn chế… Đơn cử như cà phê, các khâu thu hoạch, phơi sấy, chế biến, bảo quản đều có vấn đề liên quan đến tổn thất về sản lượng và chất lượng. Một thực tế rất dễ nhìn thấy là tình trạng hái cà phê theo kiểu tuốt cành vẫn còn phổ biến, số hộ phơi cà phê trên sân đất chiếm 66%; chỉ có khoảng 20% hộ phơi bằng sân xi măng và khoảng 0,2% hộ sử dụng máy sấy cà phê. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến tại các nông hộ chiếm tới 80% sản lượng cà phê của cả tỉnh bằng các phương pháp khác nhau như phơi khô cả quả, xát dập để phơi hoặc xát bóc vỏ quả rồi phơi… đã làm giảm chất lượng hạt cà phê cũng như giá bán trên thị trường. Hay ở cây ngô, 100% hộ trồng ngô thu hoạch thủ công với cách thức bẻ ngô bằng tay; phơi sấy chủ yếu nhờ ánh sáng mặt trời, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số hong trên giàn bếp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ dùng máy sấy. Hình thức phơi này có điểm yếu là phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, trong khi đó thời điểm thu hoạch vụ ngô ở Dak Lak thường trúng mùa mưa nên hay bị ẩm, mốc hoặc khô không đều. Bên cạnh đó, việc bảo quản còn nhiều bất cập vì phần lớn các nông hộ thường không có nhà kho, nên phải đựng trong bao, bồ, thùng phuy dễ bị sâu, mọt, chuột phá hại. Ở cây lúa cũng vậy, việc thu hoạch bằng máy chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ có 10% diện tích gieo trồng được sử dụng máy sấy, còn lại phơi sấy chủ yếu nhờ ánh sáng mặt trời trên nền sân xi măng, gạch, đất dẫn đến tình trạng lúa khô không đồng đều, độ rạn, gãy hạt gạo cao, chiếm 30%. Với tỷ lệ thất thoát cao như vậy, mỗi năm nông dân Dak Lak bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Cơ giới hóa nông nghiệp là giải pháp tối ưu trong giảm tổn thất sau thu hoạch.
Cơ giới hóa nông nghiệp là giải pháp tối ưu trong giảm tổn thất sau thu hoạch.

Kỳ vọng từ đề án

Một trong những giải pháp tối ưu cho vấn đề giảm TTSTH là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các khâu thu hoạch, bảo quản, phơi sấy, chế biến và tiêu thụ. Vì vậy, việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của nông dân cần có một chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Trong đó,  Đề án về chính sách giảm TTSTH cho nông sản ra đời được xem là hướng mở cho vấn đề này, tạo động lực cho nông dân tăng gia sản xuất.

Với mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm tỷ lệ tổn thất của cà phê, lúa, ngô, tiêu xuống còn 10%, cao su còn 2% đến năm 2015, chính sách hỗ trợ vay vốn và lãi suất mua máy móc, thiết bị đã được đề ra trong Đề án (căn cứ theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) về chính sách hỗ trợ giảm TTSTH đối với nông, thủy sản. Theo đó, đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất là các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp và được UBND cấp xã xác nhận trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ về lãi suất đối với các khoản vay dài hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức cho vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước lên tới 100% giá trị hàng hóa. Khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu và từ năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay. Tuy nhiên, để Đề án thực thi có hiệu quả, giải quyết được những kỳ vọng lớn lao của nông dân và doanh nghiệp cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ như đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống hạ tầng nông thôn…Ngoài ra, các thiết bị lưu chuyển nông sản trên thị trường cũng cần được tăng cường để bảo đảm chất lượng sau một chặng đường dài vận chuyển.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc