Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ việc liên kết đầu tư của nông dân xã Ea Tân

09:20, 07/02/2012

Niên vụ vừa qua, xã Ea Tân (Krông Năng) được mùa cà phê với năng suất bình quân trên 3,5 tấn nhân/ha, cá biệt nhiều hộ thu đến 6-7 tấn/ha. Cà phê được mùa nhưng chín muộn, thời điểm thu hái diễn ra đúng vào dịp thời tiết lạnh kèm mưa phùn kéo dài trong nhiều ngày dẫn đến việc phơi phóng, bảo quản cà phê của bà con gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù nhà nào cũng đã chuẩn bị sẵn sàng sân phơi. Trước thực tế đó, một số hộ đã đầu tư lò sấy hoặc liên kết đầu tư lò sấy với cách tính toán khá thực tế.

Với 3 ha cà phê, vụ vừa qua ông Lương Văn Quận thu được trên 15 tấn cà phê nhân. Theo tính toán của ông Quận, với thu hoạch từ diện tích cà phê đang có của gia đình, ít nhất phải cần đến 1 sào đất làm sân phơi mà chưa chắc đã bảo đảm vì thời tiết những năm gần đây khá thất thường. Vì vậy, thay vì lấy đất làm sân phơi, ông đã chọn lấy đất để sản xuất, đầu tư lò sấy để sấy cà phê. Với lò sấy có quy mô sấy 1,5 tấn cà phê/mẻ chỉ chiếm chưa đầy 150m2 đất, trị giá trên 50 triệu đồng, cà phê của gia đình ông Quận thu hoạch đến đâu đều được sấy khô đến đấy, bảo đảm chất lượng, không phải lo mưa nắng. Thời gian rảnh gia đình ông còn nhận sấy cho nhiều hộ khác, góp phần tăng thêm thu nhập. Diện tích đất lẽ ra để xây dựng sân phơi đã được ông Quận trồng tiêu, hiệu quả kinh tế về lâu dài được nâng lên rất nhiều.

Lò sấy cà phê giúp nông dân chủ động trong khâu chế biến.  (Ảnh minh họa)
Lò sấy cà phê giúp nông dân chủ động trong khâu chế biến. (Ảnh minh họa)

Với 3 anh em ông Đặng Văn Ba, Đặng Văn Hiển và Đặng Văn Lương thì việc mỗi người sắm một lò sấy giá trị từ 50 - 70 triệu đồng là một khoản đầu tư quá lớn. Vì vậy, các ông đã bàn nhau cùng hùn vốn để đầu tư một lò sấy vỉ ngang, quy mô 1,5 tấn/mẻ, nhiên liệu sấy bằng vỏ cà phê  và các phế phụ phẩm khác. Qua tính toán chi phí, 3 anh em ông Ba, mỗi hộ có trên 3 ha cà phê, đã đóng góp trên 20 triệu đồng/hộ. Lò sấy chung được giao cho ông Hiển quản lý, bảo vệ. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho từng thành viên, việc tổ chức thu hái cũng được tính toán tập trung, thay vì trước đây cà phê nhà nào nhà đó tự thu hái. Có lò sấy chung, 3 hộ cũng tập trung nhân công hái cho một nhà trong vài ngày, rồi tiếp tục tập trung hái cho nhà khác. Vì thế, việc thu hái cũng nhanh gọn hơn, 10 ha với thu hoạch gần 120 tấn quả tươi song vẫn bảo đảm thu hái nhanh gọn, sản phẩm thu hoạch đến đâu đều được sấy khô đến đó, chất lượng cà phê được bảo đảm.

Ea Tân là một trong những xã sản xuất cà phê trọng điểm của huyện Krông Năng. Toàn xã có trên 4.300 ha cà phê, mỗi năm lượng cà phê thu về cả trăm ngàn tấn cà phê tươi, đòi hỏi một diện tích sân phơi lên đến cả chục ha. Vì vậy, việc nhiều hộ dân trên địa bàn đầu tư hoặc liên kết đầu tư xây dựng lò sấy được xem là một hướng đi  hiệu quả vừa góp phần giảm diện tích sân phơi vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm do không còn phụ thuộc vào thời tiết mỗi khi phơi phóng. Ông Đặng Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ea Tân cho biết: “Xã đang khuyến khích bà con đầu tư xây dựng lò xây sấy để bảo đảm chất lượng cà phê sau thu hoạch. Hộ nào có khả năng thì tự đầu tư, hộ chưa có khả năng thì liên kết 2-4 hộ/lò, chú trọng khuyến khích các nhóm hộ là anh em trong một nhà hoặc các hộ có diện tích sản xuất gần nhau, các hộ có diện tích sản xuất lớn... Hiện nay trên địa bàn xã đã có trên 50 lò sấy đã được đầu tư, trong số đó nhiều lò sấy được xây dựng từ nguồn vốn liên kết của nông dân”.

Minh Trang


Ý kiến bạn đọc