Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động xuất khẩu Dak Lak vẫn chưa hết khó khăn

08:56, 24/02/2012

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Dak Lak đạt 700 triệu USD, bằng 107,7% kế hoạch và tăng gần 13% năm 2010. Trong năm 2012, mục tiêu đặt ra cũng chỉ bằng năm trước (khoảng 700 triệu USD). Điều đó cho thấy, hoạt động xuất khẩu trong năm nay vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Theo Sở Công thương, năm 2011, xuất khẩu Dak Lak gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ của cả nước, giá cả một số mặt hàng chiến lược tăng đột biến nên nhiều doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu trong nước hết sức bị động về vốn kinh doanh, khả năng ứng phó với biến động của thị trường rất kém, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ, nhất là đối với DN sản xuất, kinh doanh cà phê.

Chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty XNK Intimex - Buôn Ma Thuột.
Chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty XNK Intimex - Buôn Ma Thuột.

Những khó khăn trên có thể vẫn còn kéo dài sang năm nay, vì vậy, trong kế hoạch sắp đến, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu phải hạ thấp chỉ tiêu: cà phê giảm xuống còn 340.000 tấn, cao su 12.000 tấn, điều 400 tấn và sản phẩm mật ong  7.000 tấn. Dù vậy, nhiều DN vẫn cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để thu mua hàng hóa dự trữ cho các hợp đồng xuất khẩu sắp tới. Ông Lê Đức Thống- Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên 2-9 thừa nhận: vốn vay ngân hàng trong những tháng đầu năm rất khó tiếp cận, trong khi đó, tại thời điểm này, cà phê đang được người dân bán ra ồ ạt, khiến hầu hết các DN xuất khẩu mặt hàng này rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Còn nhớ, cuối năm 2011, tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011 của Dak Lak, ông Tạ Quang Khánh-Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) có chia sẻ là đề nghị một số ngân hàng thương mại cam kết cho các DN xuất khẩu cà phê vay khoảng 8.000 tỷ đồng nhằm chủ động ứng phó với biến động của thị trường - và hơn thế là để tăng năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài. Song, cho đến thời điểm này, nguồn vốn trên vẫn chưa được các ngân hàng nhiệt tình “tiếp sức”. Điều đó cũng cho thấy sự tiên liệu bức tranh xuất khẩu (trong đó có mặt hàng chủ lực cà phê) của Dak Lak trong năm nay không sáng sủa lắm (!)

Mặt khác, những hạn chế trong các khâu lưu thông nội địa như hệ thống đại lý thu mua cà phê, điều, tiêu, mật ong, sắn… còn thiếu sự liên kết, gắn bó giữa người nông dân và DN, dẫn đến tình trạng bị động, thiếu hụt vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện đáng kể. Theo nhiều nhà quản lý kinh tế thì vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay là các DN phải tìm mọi cách đưa người trực tiếp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trên tham gia vào hoạt động kinh doanh của mình, cùng cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích. Nói cách khác là các DN kinh doanh xuất khẩu phải chủ động tạo ra vùng nguyên liệu vững chắc cho mình, thông qua việc đầu tư cho người nông dân từ cơ sở hạ tầng đến các tiến bộ khoa học- kỹ thuật phục vụ đời sống, sản xuất, tạo sự đồng thuận giữa hai bên, tránh tình trạng để tư thương, hoặc DN nước ngoài thao túng, làm giá như đã xảy ra trong thời gian qua.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc