Nghề mót cà phê
Thời điểm này, khi các chủ vườn thu hoạch xong cà phê cũng là khi những người đi mót cà phê bắt đầu vào mùa làm ăn. Lấy công sinh lời, mỗi ngày họ dậy từ sáng sớm, mang theo cơm đùm, cơm nắm rong ruổi khắp nơi để mót từng quả cà phê sót lại hoặc rơi vãi dưới gốc cây. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng kiếm được một số tiền trang trải cuộc sống.
Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu xuống núi cũng là khi những người dân làm nghề mót cà phê dọc các khu vườn hai bên Quốc lộ 26 về tập kết trên địa bàn xã Ea Knuếch (Krông Pak) để bán cà phê cho các thương lái thu mua. Họ là những người có cuộc sống khó khăn, quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn, phần lớn là phụ nữ, vì nghề này đòi hỏi tính cần cù, chịu khó và dẻo dai. Mùa cà phê chín họ đi hái cà phê thuê để nhận từ 100-140 nghìn đồng tiền công. Khi các chủ vườn thu hoạch xong, họ lại chuyển sang nghề mót cà phê để kiếm sống.
Rất hiếm khi người đi mót cà phê may mắn bắt gặp những cây cà phê còn quả xanh như thế này |
Đang xếp vội chiếc bao tải cũ dính đầy đất đỏ, bà Lê Thị Bình ở thôn 2, xã Dang Kang (huyện Krông Bông) cho biết: "Nhà ít ruộng, ít đất, mùa này không có gì làm nên hai tuần nay tôi tranh thủ đi mót cà phê kiếm thêm ít tiền tiêu tết. Tôi và 6 người cùng thôn rủ nhau mang cơm lặn lội lên Công ty Cà phê Thắng Lợi để mót cà phê. Bình thường mỗi ngày tôi mót được 7-8 kg, có ngày chỉ được 5 kg nhưng hôm nay may mắn được hơn 10 kg cà phê, bán được gần 90 nghìn đồng". Để có được số tiền ít ỏi đó, bà và những người khác phải dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe máy hàng chục cây số giữa những cơn gió lạnh mùa khô để đi mót cà phê. Do nhà xa, không thể mang theo cào, cuốc nên mọi việc bà phải dùng tay, tay trái gạt lớp lá cà phê rụng dưới gốc, tay phải nhặt những quả cà phê trồi lên. So với các nghề làm thuê mà những người dân nghèo lấy làm kế sinh nhai thì nghề mót cà phê khá nhẹ nhàng, đơn giản. Chỉ cần vào những rẫy cà phê xa, chưa ai mót và nhanh tay, nhanh mắt cộng thêm một chút may mắn nữa là mỗi ngày có năm, bảy chục nghìn đồng bỏ túi. Bà Bình tâm sự: "Khổ nhất là ngày trời mưa, bùn đất nhão nhoẹt, cà phê bị lấp xuống dưới, phải bới nhặt từng hạt, rửa sạch mới bán được. Ngoài ra, còn bị muỗi cắn, có khi bới trúng mảnh chai bị cắt đứt tay".
Tuy vậy, nghề này không cần người phải có sức khỏe nên nhiều em nhỏ cũng theo người lớn đi mót để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hàng ngày em Đỗ Hoàng Hiên, học sinh trường THCS Phước An, thị trấn Phước An (Krông Pak) sáng đi học, chiều lên rẫy đi mót cà phê. Em chia sẻ: "Ngồi dưới gốc cây cả ngày rất mỏi, hay bị muỗi cắn... nhưng vì nhà nghèo nên năm nào em cũng đi mót cà phê phụ giúp ba mẹ. Mỗi ngày được 5-6 kg, bán được 40.000-50.000, số tiền tuy ít nhưng đó là những đồng tiền đầu tiên em làm được nên em rất vui".
Còn tại xã Ea Hiu (huyện Krông Pak), lúc này là thời điểm mót cà phê nhộn nhịp nhất. Anh Võ Tá Giáp, một người chuyên lái máy cày phục vụ chị em mùa mót cà phê ở đây cho biết: "Khi còn nhỏ tôi thường theo bạn bè đi mót cà phê, giờ không đi mót cà phê nữa mà chuyển qua lái máy cày, trưa ở lại trông xe, làm việc vặt kiếm thêm thu nhập. Cứ 4 giờ sáng là xe xuất phát, 4 giờ chiều trở về. Mỗi chuyến như vậy tôi lấy phí 9.000/người, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí của việc chạy xe máy lên rẫy mót cà phê". Với số tiền kiếm được mỗi ngày, họ có thể mua gạo, thức ăn hằng ngày... Nghề này mang lại thu nhập kha khá cho những người lao động nghèo, nhiều gia đình đã mua sắm được những vật dụng có giá trị như quạt điện, ti vi, chăn, nệm... như gia đình ông Ama Rin, ông Ama Plip buôn Tà Rầu hay ông Nguyễn Tấn Hòa... Còn với các em học sinh, sau giờ tan học, các em theo chân mẹ hoặc rủ nhau từng nhóm đi mót cà phê kiếm tiền giúp gia đình hoặc mua sắm sách vở, quần áo... Nhanh nhẹn, chịu khó như em Kiều Thị Mỹ Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai còn có thể mua được xe đạp để đi học nhờ việc đi mót cà phê.
Nguyễn Hường
Ý kiến bạn đọc