Ước mơ trên những cánh đồng
10:01, 13/02/2012
Người nông dân bao đời gắn bó với ruộng đồng, việc tích tụ đất đai, mở rộng sản xuất, thâm canh để làm ra ngày càng nhiều hạt lúa là mơ ước cháy bỏng đối với họ. Ngoài sự nỗ lực tự thân, họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước để chắp cánh cho những ước mơ ấy...
Dak Lak được coi là tỉnh có tiềm năng đất đai dồi dào để xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh các loại cây trồng đã khẳng định được vị thế của mình như cà phê, cao su, ngô lai, bông vải… thì cây lúa cũng dần được đánh giá là cây trồng mũi nhọn, có tính chất đột phá ở một số địa phương. Theo Sở NN-PTNT, sản lượng lúa hằng năm của Dak Lak đạt trên 450.000 tấn và cùng với các loại cây trồng có hạt khác quy ra thóc đã chạm mục tiêu đặt ra 1 triệu tấn/năm. Con số này không những đáp ứng được vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, mà còn bước đầu được xuất bán ra thị trường bên ngoài.
Mùa vàng trên cánh đồng Lak |
Thế mạnh đó sẽ được phát huy gấp nhiều lần nếu như quan hệ sản xuất ở vùng nông thôn Dak Lak tiếp tục được cải thiện theo hướng thâm canh, tăng năng suất một cách đồng bộ và hiệu quả hơn. Ông Đặng Phú Bình-Chủ tịch UBND xã Ea Lê (huyện Ea Súp) đánh giá: những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân địa phương đã đóng góp thêm hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp. Nhờ vậy năng suất, sản lượng lúa làm ra mỗi năm ở đây không ngừng tăng lên, hiện đã đạt con số hơn 2.000 tấn/năm. Cuộc sống của người dân làm lúa ở Ea Lê trở nên khá giả và bền vững hơn so với trước. Ông Nguyễn Anh Sơn (thôn 3, xã Ea Lê) cho biết, thâm canh, tăng năng suất trên diện tích ruộng lúa hiện có (bình quân từ 0,6 - 1ha/hộ) là hướng đi đúng mà bất kỳ ai cũng nỗ lực phấn đấu và chọn lựa. Song, điều đó chưa đủ, bởi diện tích lúa ở đây không thể mở rộng thêm vì quỹ đất không còn. Những hộ gắn bó và muốn làm giàu từ cây lúa phải vào Ea Rok, Ya T’mốt… để xâm canh thêm dưới nhiều hình thức như khai hoang hoặc mua lại từ người dân trong vùng. Hình thức này đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, diện tích lúa của họ bị chia nhỏ và xé lẻ ra manh mún, gây khó khăn trong việc đầu tư, chăm sóc… Bởi thế nên ông Sơn cũng như nhiều nông hộ khác mong rằng chính quyền địa phương nên sớm triển khai thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa một cách tích cực thì hiệu quả kinh tế từ cây lúa mang lại trên vùng đất giàu tiềm năng này chắc chắn sẽ khả quan hơn.
Những tâm tư này cũng được nhiều lão nông ở huyện Lak chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Mười (ở xã Buôn Triết) tâm sự: Làm lúa bây giờ không chỉ để ăn mà còn xuất bán ra bên ngoài theo hướng hàng hóa. Vậy nên trong đầu tư sản xuất cũng cần phải cơ giới hóa và hiện đại hóa. Mà muốn vậy thì không còn cách nào khác là phải dồn điền, đổi thửa đưa máy móc vào phục vụ sản xuất thuận lợi hơn. Đến nay, gần 30 ha lúa của gia đình ông đều liền thửa nên dễ dàng đáp ứng được các khâu sản xuất bằng cơ giới, tạo ra năng lực sản xuất vượt trội. Ông Đặng Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, vùng lúa trọng điểm này (khoảng 1.600 ha) hiện đang dần hình thành nhiều tổ hợp tác, liên kết giữa các nhóm hộ hỗ trợ nhau từ công tác thủy lợi, giống má, vật tư, làm đất, thu hoạch… cho đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng lúa ở đây không ngừng tăng lên, mà chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Hằng năm, Buôn Triết đạt xấp xỉ 2.000 tấn, được nhiều bạn hàng từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh… đặt mua theo hợp đồng ổn định.
Bà Hoàng Thị Hảo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lak cho hay, huyện đang tiến hành xây dựng lộ trình tạo dựng thương hiệu lúa gạo mang tên huyện Lak với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Viện lúa Miền Nam và Sở Khoa học-Công nghệ Dak Lak. Trong đó địa bàn Buôn Triết, Buôn Tría được chọn làm thí điểm dựa trên các mô hình sản xuất hiện có của người dân cùng với sự quan tâm, giúp đỡ đắc lực của Nhà nước. Đây sẽ là tín hiệu vui đối với người nông dân Dak Lak, bởi ước mơ làm giàu từ cây lúa của họ đã dần trở thành hiện thực.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc