Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu cà phê có điều kiện: Chuẩn hóa hay rào cản?

08:50, 24/02/2012

Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí với nhau về chủ trương đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện. Câu chuyện co hẹp đầu mối kinh doanh xuất khẩu này vẫn đang gây xôn xao trong giới doanh nghiệp cà phê...

Vào thời điểm những tháng cuối của năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 290/BNN-CB gửi Bộ Công Thương về việc kinh doanh, xuất khẩu cà phê có điều kiện với nội dung nhất trí, đồng thuận rằng: quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết hiện nay. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của Việt Nam gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm: doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 1 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Co hẹp để thanh lọc thị trường xuất khẩu
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cả nước hiện có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê với tổng sản lượng 1-1,2 triệu tấn/năm. Tất nhiên lớn mà mạnh thì chẳng nói làm gì, vấn đề ở chỗ các ngành chức năng thừa nhận căn bệnh lâu nay của thị trường cà phê là mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, ảnh hướng không tốt đến danh tiếng của ngành cà phê Việt Nam. Điều đáng chú ý là trong số 150 doanh nghiệp xuất khẩu ấy chỉ có 30% doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, còn lại thua lỗ triền miên. Đó là chưa nói đến một nhược điểm lớn của ngành cà phê Việt Nam là tình trạng xuất khẩu thô, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ: chỉ có 10% sản xuất tập trung, 90% sản xuất cá thể, ảnh hưởng đến việc đầu tư, quản lý nâng cao chất lượng cà phê. Với những con số ấy, dễ hiểu khi trong chiến lược phát triển 15 -20 năm tới, ngành cà phê đã kiến nghị với Chính phủ nên đẩy mạnh và hỗ trợ đầu tư vào chế biến, cố gắng đưa cà phê chế biến chiếm 20-25% lượng cà phê xuất khẩu.

Đánh giá về bức tranh thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam, Chủ tịch Vicofa, ông Lương Văn Tự bày tỏ quan điểm: Không nên hạn chế số lượng doanh nghiệp cà phê nhưng kinh doanh xuất khẩu phải có chuẩn mực. Việc sàng lọc doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bằng điều kiện bắt buộc là cần thiết để ổn định lại thị trường, giảm thiểu tình trạng tranh mua tranh bán, giúp doanh nghiệp tự tin, đứng vững trên sân chơi toàn cầu. Còn về một số tiêu chí đưa ra như doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu phải tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm, thiết nghĩ nếu trên thực tế chưa phù hợp có thể điều chỉnh hoặc các doanh nghiệp có thể liên kết, xây dựng các chuỗi liên kết.

Còn theo quan điểm của ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thì việc xuất khẩu cà phê có điều kiện rất cần thiết trong tái cơ cấu ngành cà phê nhất là khi ngành hàng này trở thành nghề mưu sinh chính của nông dân ở một số địa phương, đặc biệt ở Tây Nguyên, đồng thời cũng là nguồn lợi xuất khẩu lớn của đất nước.  Đây là một chủ trương đúng nhưng trong quá trình xây dựng phải tham khảo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp vì có một số tiêu chí cần phải xem xét, điều tra cụ thể để đưa ra hạn định xuất khẩu nếu không vô tình sẽ tạo rào cản cho doanh nghiệp. Một minh chứng dễ thấy là trên địa bàn tỉnh Dak Lak hiện có 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thu mua. Có một số công ty TNHH một thành viên xuất khẩu cà phê tuy số lượng chưa đạt đến con số 5.000 tấn cà phê nhân nhưng có bề dày kinh nghiệm, tạo việc làm ổn định cho lao động, có hệ thống kho bãi nên không có lý gì không được tham gia xuất khẩu cà phê.       

Theo dự tính của Vicofa, đối chiếu các tiêu chí, nếu chủ trương đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện được hiện thực hóa thì sẽ chỉ có khoảng 50-60 doanh nghiệp đủ điều kiện.

Sau mặt hàng lúa gạo, cà phê được đưa ra xem xét vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.
Sau mặt hàng lúa gạo, cà phê được đưa ra xem xét vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.

Nỗi niềm doanh nghiệp
Tầm ngắm của cơ quan quản lý Nhà nước khi đưa ra chủ trương trên là vậy. Với doanh nghiệp tùy theo quy mô, năng lực thực tế của mình cũng lắm tâm tư. Các doanh nghiệp lớn, có tầm thực sự trên thị trường xuất khẩu lâu nay đương nhiên không mấy “sốc” nếu không nói là vỗ tay đồng tình, ủng hộ chủ trương này. Thậm chí co hẹp đối tượng được xuất khẩu còn là cơ hội để nâng tầm quan trọng, quảng bá, khuyếch trương vị thế và tên tuổi của họ. Xôn xao, băn khoăn nhiều nhất có lẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan điểm chung của loại hình doanh nghiệp này là nên bắt mạch, căn cứ vào năng lực, hiệu quả làm ăn thực tế của doanh nghiệp ấy để xây dựng điều kiện xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc Xí nghiệp tư doanh thương mại Quang Anh chia sẻ: Trước đây doanh nghiệp của bà cũng xuất khẩu cà phê nhưng sau một thời gian tự nhận thấy không đủ lực nên đã ngưng hoạt động xuất khẩu trực tiếp, chuyển sang chuyên thu mua cung cấp cho các công ty xuất khẩu. Theo bà Ngọc Anh, chủ trương xuất khẩu cà phê có điều kiện là việc làm cần thiết nhưng tiêu chí cần phù hợp, tính toán kỹ nếu không sẽ làm khó cho những doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường xuất khẩu từ trước tới nay nhưng nếu đối chiếu với điều kiện lại không đáp ứng. Bà Ngọc Anh phân tích thêm: Một trong những tiêu chí đưa ra để đủ điều kiện xuất khẩu là phải chế biến và xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm, liệu có tạo rào cản cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có chất lượng cà phê bảo đảm nhưng chưa đủ số lượng yêu cầu là 5.000 tấn chẳng lẽ không được tham gia, đó là chưa kể đến làm thui chột tinh thần, khí thế của những doanh nghiệp mới, tiềm năng. Tất nhiên các doanh nghiệp nhỏ có thể liên kết với nhau nhưng nếu không có cơ chế chính sách phù hợp có thể họ chịu lép vế khi bị ép giá. Còn tiêu chí phải có kho chứa, về lâu dài và bền vững là phải có vùng nguyên liệu bởi mỗi hộ dân trồng cà phê chính là một kho chứa.

Hiện Vicofa đang yêu cầu các doanh nghiệp gửi báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cơ sở vật chất, để trên cơ sở đó nắm tình hình, tiềm lực của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp. Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến điều tra để hoàn thiện cho đề án.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc