Lập lại trật tự kinh doanh lâm sản: Những thách thức từ thực tế
Kỳ 2: Sắp xếp di dời theo quy hoạch: Các địa phương cần kiên quyết hơn (Tiếp theo và hết)*
Cuối năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố quy hoạch ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020. Theo đó, các cơ sở chế biến gỗ được tổ chức, sắp xếp lại, di dời vào các khu, cụm công nghiệp (CCN), điểm quy hoạch (ĐQH) trước 31-12-2012. Tuy nhiên, đến nay, công tác sắp xếp, di dời vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…
Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào khu, CCN, ĐQH nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh rừng. |
Chậm di dời -huyện nào cũng có!
Năm 2011, trên địa bàn huyện Ea H’leo có khoảng 18 xưởng cưa lớn, nhỏ có lắp đặt cưa vòng, nằm rải rác ở các xã Ea Nam, Cư Mốt, Dlei Yang, thị trấn Ea Drăng… Trước tình trạng an ninh rừng phức tạp, UBND huyện đã hoàn tất các thủ tục để di dời các xưởng cưa gần rừng vào khu quy hoạch CCN ở xã Ea H’leo. Mục tiêu trong năm 2011 di dời 70% các cơ sở chế biến lâm sản vào CCN, ĐQH. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 1 cơ sở được UBND tỉnh có quyết định cho thuê đất tại CCN xã Ea H’leo. Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó là do hạ tầng CCN trên địa bàn huyện chưa xây dựng xong, chậm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2010/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chế biến gỗ vào khu, CCN, ĐQH… Còn tại huyện Ea Kar, có trên 20 cơ sở mộc và chế biến lâm sản nằm rải rác ở các xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Tih, Ea Kmút, Cư Huê, Ea Pal, Ea Đa, thị trấn Ea Knốp và thị trấn Ea Kar đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Mặc dù địa phương này đã có CCN Ea Đar nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở nào tiến hành di dời vào đây. Là một trong những “điểm nóng” về an ninh rừng của tỉnh, nhưng việc sắp xếp di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào CCN, ĐQH tại huyện Ea Súp vẫn rất chậm trễ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2011, có 70% cơ sở chế biến lâm sản phải được chính quyền địa phương tổ chức di dời nhưng doanh nghiệp vẫn dây dưa kéo dài. Sau đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh vào cuối năm 2011, các trường hợp sai phạm tuy đã được chấn chỉnh, xử lý nhưng tình trạng vi phạm lâm luật vẫn tiếp tục xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh rừng. CCN xã Ea Lê đã có quy hoạch chi tiết, hệ thống đường điện cũng đã được đấu nối, do vậy chính quyền địa phương cần kiên quyết hơn trong việc sắp xếp, di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào đây nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Lý giải về sự chậm trễ trong công tác di dời, hầu hết các địa phương đều cho rằng, khó khăn lớn nhất là hạ tầng các CCN vẫn chưa hoàn thiện, việc di dời cần có thời gian, công tác giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi giấy phép… liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực… Thêm nữa, việc di dời lại diễn ra tình hình tài chính khó khăn nên các doanh nghiệp vẫn chây ì, dây dưa.
Đi tìm giải pháp căn cơ
Đa số các cơ sở sản xuất mộc vẫn nằm rải rác ở khu dân cư, chưa được di dời. |
Chế biến lâm sản cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó vấn đề đặt ra là làm thế nào để cho ngành này có sự phát triển lành mạnh, bền vững. Theo Quy hoạch ngành chế biến gỗ giai đoạn 2010-2020 (đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010): phấn đấu giá trị sản xuất chế biến gỗ giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 14-15%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 16-18%/năm. Các cơ sở chế biến gỗ sau khi di dời nhanh chóng nâng cấp, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm tinh chế, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả. Trước năm 2015, có 70% cơ sở đầu tư dây chuyền chế tinh chế với công nghệ, thiết bị hiện đại. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 100%. Để làm được điều này, UBND tỉnh đã chỉ đạo năm 2010, thực hiện đình chỉ ngay những cơ sở chế biến gỗ ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý bảo vệ rừng; năm 2011 di dời các cơ sở chế biến gỗ không nằm trong khu, CCN ảnh hưởng đến môi trường; đến cuối năm 2012 phải hoàn tất công tác di dời và tất cả các cơ sở chế biến gỗ nằm ngoài khu, CCN, ĐQH đều phải bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ di dời hiện cho đến nay quá chậm, số lượng doanh nghiệp di dời vào CCN, ĐQH chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân không chỉ do doanh nghiệp cố tình chây ì, dây dưa kéo dài, mà còn do chính quyền cơ sở thiếu kiên quyết.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 khu công nghiệp và 11 CCN, là điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đẩy nhanh tiến độ di dời, sắp xếp lại mạng lưới chế biến gỗ. Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã có kiến nghị UBND cấp huyện khẩn trương chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng các CCN, ĐQH theo quy hoạch chung của tỉnh; tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án hỗ trợ di dời cơ sở chế biến lâm sản của các đối tượng được hưởng chính sách theo phân cấp và quy định hiện hành. Để việc tái cấu trúc ngành kinh tế mũi nhọn này của tỉnh cần phải bảo đảm các yếu tố: các điểm sản xuất chế biến gỗ không gần rừng, không gây ô nhiễm môi trường, không gần khu dân cư; phân bố hợp lý trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên phát triển đối với những cơ sở có vùng nguyên liệu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị xuất khẩu bằng các sản phẩm tinh chế... Đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt các ngành chức năng, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Theo đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra theo dõi nhật ký nhập, xuất lâm sản, truy nguyên được nguồn gốc hợp pháp hay bất hợp pháp tại các xưởng chế biến để kịp thời xử lý nếu phát hiện sai phạm. Có như vậy, ngành kinh tế mũi nhọn này mới phát triển ổn định, góp phần tích cực vào công tác, quản lý bảo vệ rừng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc