Những đổi mới trong cách làm kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều năm nay, anh Y Sum Niê ở thôn 4, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) thường đi làm công cho các hộ trồng hoa trong nhà lồng tại địa bàn. Được chủ vườn hướng dẫn cách chăm sóc và kỹ thuật trồng hoa, anh đã học được nghề và áp dụng vào thực tế trồng hoa của gia đình. Tết Nhâm Thìn vừa qua, thu nhập từ việc trồng và tiêu thụ hoa layơn và hoa cúc đã mang lại cho gia đình anh Y Sum hơn 15 triệu đồng.
Cũng học được nghề trồng hoa từ việc đi làm thuê cho các nhà vườn, với kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa được rút ra từ thực tế, cùng với hướng dẫn của chủ vườn, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, gia đình chị H’Bloanh ở thôn 5 cũng trồng được gần 1 sào hoa cúc và layơn, trừ mọi chi phí còn thu lãi trên 15 triệu đồng.
Chị H'Bloanh không chỉ thoát nghèo mà còn khá giả nhờ trồng hoa. |
Những năm qua, không chỉ có anh Y Sum, chị H’Bloanh mà nhiều hộ nông dân người Êđê khác trên địa bàn thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) đã chuyển hướng sang trồng và tiêu thụ hoa, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù hoa là một loại cây trồng rất khó tính, đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ thuật chăm sóc đặc biệt thì mới cho ra những cành hoa đáp ứng được nhu cầu của thị trường song nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số đã trồng thành công nhờ sự hỗ trợ của các chủ hộ trồng hoa như chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho đồng bào, giúp vốn đầu tư... Anh Nguyễn Văn Cường ở thôn 5, thị trấn Ea Pôk là một người như thế. Trước đây, anh Cường cũng là hộ nghèo phải đi làm thuê cho các hộ trồng hoa trong nhà lồng. Do được chủ hộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa mà anh chị đã trồng được hơn 2 sào hoa cúc hoa layơn cho thu nhập mỗi năm trên 20 triệu đồng. Kinh tế ổn định hơn, hai năm nay, gia đình anh đều giúp về vốn, giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho các hộ người dân tộc thiểu số trong vùng.
Năm 2011, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) có 41 hộ thoát nghèo, trong đó có hơn 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 4 và thôn 5 được công nhận thoát nghèo bền vững từ việc trồng hoa layơn và hoa cúc. Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, việc các hộ người dân tộc thiểu số nắm bắt được kỹ thuật trồng hoa và có thu nhập khá như thế đã thấy được sự chuyển đổi trong nhận thức của đồng bào về áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà việc trồng hoa là một ví dụ. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và trồng trọt của các nông hộ cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng, đã tạo điều kiện và cơ hội để người nghèo vươn lên phát triển về kinh tế, góp phần tăng thêm mối đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Còn ở buôn Alê B, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), trong những năm qua, có rất nhiều hộ người Êđê vươn lên thoát nghèo nhờ vừa trồng vừa buôn bán rau xanh.
Gia đình Amí Len đã thoát nghèo từ 4 năm nay nhờ vào việc trồng và bán rau xanh do gia đình tự làm ra. Hơn 2 sào đất ven suối Ea Tam được Amí Len tận dụng trồng bắp nếp xen rau bí. Mỗi buổi sáng, vợ chồng hái rau bí, đến chiều thì Amí Len đem ra chợ bán. Thu hoạch trong suốt hơn 2 tháng từ rau bí là 2 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch bắp tươi, gia đình cũng không bán tại chân ruộng mà mang luộc chín để bán lẻ ở chợ nên thu nhập cũng cho thêm 5 triệu đồng nữa. Trung bình từ 2 sào đất, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 14 triệu đồng. Hơn 300m2 đất ở cạnh nhà cũng được Amí Len trồng đủ loại rau xanh rồi bán ở chợ Alê B. Chị chỉ trồng những loại rau truyền thống của người Êđê như cà đắng, rau eck, rau lang, rau bí và đậu rồng được chăm sóc tự nhiên không dùng phân bón hóa học. Sự chịu khó này đã khiến cho gia đình có việc làm và thu nhập đều đặn hằng năm.
Hai năm nay, Amí Nuôi được chị em tiểu thương ở chợ Alê B ưu tiên dành cho một sạp bán rau ổn định và hướng dẫn kỹ năng buôn bán rau xanh do nhà trồng được. Amí Nuôi cho biết: “Nếu không bán rau ở chợ mà bán ngay tại vườn thì thu nhập chưa được 1 nửa. Nhờ bán thêm rau ở chợ mà gia đình tôi có thêm đồng ra đồng vào, kinh tế gia đình có phần ổn định hơn”. Nhà Amí Bươm cũng có 2 sào đất trồng rau xanh bên suối Ea Tam và có một sạp bán rau xanh ở chợ. Mỗi ngày, 3 người con ở nhà làm rau chuẩn bị hàng để mang ra chợ cho Amí Bươm bán. Amí Bươm tính toán, với cách làm này, sau khi trừ mọi chi phí thì thu nhập mỗi ngày được từ 70.000 - 100.000 đồng.
Năm 2011, buôn Alê B có 19 hộ được công nhận thoát nghèo bền vững, trong đó hơn một nửa số hộ là người dân tộc thiểu số trồng và bán rau xanh ở chợ buôn Alê B. Có được kết quả này là nhờ Hội Nông dân phường Ea Tam đã hướng dẫn đồng bào học hỏi các hộ gia đình trồng rau xanh giỏi trên địa bàn theo hướng cầm tay chỉ việc. Ban Quản lý chợ Alê B cũng vận động chị em tiểu thương ở chợ hướng dẫn thêm các chị em người dân tộc thiểu số buôn bán về kỹ năng trong kinh doanh rau xanh, phát triển kinh tế gia đình theo hướng sản xuất gắn với dịch vụ tiêu thụ.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc