Multimedia Đọc Báo in

Thông thái…

09:30, 07/03/2012

Câu chuyện giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chẳng có gì “ấn tượng” nếu không có những lúc “thượng đế” buồn lòng, kêu ca phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Còn doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, không thể nào khác phải vần vũ với  quy luật cạnh tranh của thương trường…

Ngày nay người tiêu dùng luôn bị bao phủ bởi một rừng thông tin và lựa chọn dày đặc. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, người ta thống kê rằng: mỗi hộ gia đình trung bình hằng ngày nhận được rất nhiều lời mời chào từ các quảng cáo trên hơn 100 đài truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số, ngoài ra còn hàng trăm siêu thị, 4 tỉ trang web và 5000 tạp chí khác nhau. Kinh tế thị trường, gần như sản phẩm nào cũng có nhiều nhãn hiệu, đơn vị sản xuất. Từ những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất trong gia đình như đôi đũa, cái bát đến những tài sản có giá trị hơn như trang thiết bị nội thất, phương tiện đi lại đều có đủ kiểu dáng, mẫu mã, đơn giá, nhà sản xuất để “thượng đế” chọn lựa. Không có chuyện độc quyền, một mình một chợ, đó là cơ hội thuận lợi cho người tiêu dùng, vấn đề là hầu bao đến đâu.

Còn doanh nghiệp bao gồm cả nhà sản xuất và nhà cung ứng, để tìm được chỗ đứng cho mình trong lòng “thượng đế”, họ luôn luôn phải lắng nghe và nghe ngóng để biết người tiêu dùng đang cần gì và đối thủ của mình đang làm gì rồi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho hợp lý. Thời đại công nghệ thông tin, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu về mình thông qua việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, phát tờ rơi, gắn panô, áp phích… Nhưng điểm ngắm cuối cùng của bất kỳ phương thức quảng cáo nào hay nói cách khác chiến lược kinh doanh bền vững, lâu dài nhất là tạo lập hình ảnh, tên tuổi, thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cũng giống như soạn thảo để xuất bản một quyển từ điển trong tâm trí người tiêu dùng. Thay vì “thượng đế” phải mất thời gian xem tất cả các thông tin, người ta chọn lọc và tìm đường tắt nhờ cuốn “từ điển” này để mua được những sản phẩm cần thiết, phù hợp. Như thế đồng nghĩa với việc doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu của mình đứng đầu danh sách càng dễ là lựa chọn của khách hàng, mua là họ nhớ.

Lựa chọn sản phẩm là quyền của người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm là quyền của doanh nghiệp. Vấn đề là việc sử dụng những quyền ấy phải hợp pháp. Trên thực tế, cuộc “đối thoại” giữa hai “nhân vật” trong câu chuyện mua-bán này trên thị trường không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng. Minh chứng là hiện nay không ít người không còn tin nhiều vào quảng cáo khi họ đã vấp phải những chiêu bài đánh bóng, khuyếch trương thái quá, trong khi thực tế sử dụng sản phẩm còn có nhiều điều phải bàn. Lâu nay người tiêu dùng luôn được khuyến cáo là hãy thông thái để lựa chọn trong rừng thông tin về sản phẩm. Nhưng đặt ngược lại vấn đề khi người tiêu dùng thông thái, không lẽ doanh nghiệp không phải thông thái để giữ chân khách hàng của mình!? Bởi suy cho cùng, “thượng đế” là người quyết định sự sống còn của doanh nghiệp…

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc