Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ cây vải

08:13, 06/03/2012

Với mong muốn góp sức cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nơi đã từng gắn bó một thời đạn bom, trong 10 năm qua, các cựu chiến binh nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Ba Đình (D602 Quảng Đức) đã nỗ lực không mệt mỏi đưa hàng nghìn cây vải thuộc các giống U Trứng, U Hồng, Bình Khê, Phúc Hòa, Yên Hưng, Yên Phú, Hùng Long, Minh Tiến… trồng khảo nghiệm ở các vùng thuộc tỉnh Dak Nông và Dak Lak.

Sự nỗ lực của các cựu chiến binh cùng sự tâm huyết với cây vải của các hộ nông dân đã được đền đáp. Cây vải đã tìm được “chỗ đứng” ở vùng đất cao nguyên. Một số hộ nông dân tâm huyết với cây vải đã tập hợp thành Câu lạc bộ vải Cao Nguyên để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng vải (hiện nay Câu lạc bộ có khoảng 13 thành viên là các nông hộ trồng vải trên địa bàn hai tỉnh Dak Lak, Dak Nông). Các hộ nông dân đã thử nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và điều tiết sinh trưởng tại tất cả các vườn, rẫy trồng vải; nhờ đó đã xác định được những giống vải tỏ ra thích ứng với từng tiểu vùng sinh thái. Đó là các giống U Trứng, Bình Khê, Hồng Quyết, U Hồng, Phúc Hòa, Thiều U Cẩm Hoàng, Thiều Thanh Hà. Ngoài ra, vải Bá Túc một giống vải địa phương ở Buôn Trấp là giống rất có triển vọng. Qua thực tiễn sản xuất, các hộ nông dân trong Câu lạc bộ vải Cao Nguyên đã xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh vải; đây là tập hợp của chuỗi các biện pháp kỹ thuật liên hoàn điều chỉnh nhịp sinh trưởng cây vải phù hợp với nhịp biến đổi thời tiết ở nơi trồng nó để từ đó cây vải sinh trưởng ra hoa kết trái theo qui luật sinh lý vốn có của nó. Các yếu tố ngẫu nhiên được loại bỏ dần qua từng mùa vụ. Kết quả là năng suất không ngừng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Các nông hộ thành viên Câu lạc bộ vải Cao Nguyên, tiêu biểu như các hộ ông Nguyễn Văn Vũ (huyện Krông Nô, Dak Nông), Trương Dũng (Cư M’gar), Nguyễn Duy Tiên (Krông Pak), Vũ Trọng Luyến (TX. Buôn Hồ), Đoàn Văn Thống (Krông Năng), Nguyễn Văn Hòa (Ea Kar)…  đã nắm bắt được công nghệ xử lý vải ra hoa đậu quả tốt nên đã tạo được những mùa vải bội thu. Năng suất quả thu được ở cây trưởng thành trung bình từ 40-80kg. Tùy theo kỹ thuật cắt tỉa  mà mật độ trồng dao động từ 200-400 cây/ha, sản lượng trung bình đạt từ 8-16 tấn quả tươi/ha. Cá biệt như ở vườn ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A, xã Ea Kly (Krông Pak) đã  thu được  trên 18 tấn vải/ha trong vụ thu hoạch năm 2011. Với giá vải cân xô tại vườn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg như hiện nay, có thể nói giá trị kinh tế của cây vải cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác.

Hiện nay, các hộ nông dân trồng vải ở các xã Tân Tiến, Ea Đar, Cư Huê, Xuân Phú, Ea Sô, Ea Sar, thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar), xã Ea Dah (huyện Krông Năng) đã ứng dụng thành công quy trình canh tác xử lý vải ra hoa đậu quả. Vải ra hoa đều đặn, năng suất tăng lên, chất lượng quả tốt hơn. Quả vải Dak Lak màu đỏ tươi trông rất bắt mắt, chất lượng không hề thua kém vải cùng giống trồng ở miền Bắc, vải mọng nước, hương thơm ngát, vị ngọt thanh đến ngọt đậm, độ Brix 17 – 20 độ, tỷ lệ phần ăn được từ 65 – 75 %. Đặc biệt, do chín sớm hơn vải cùng giống trồng ở miền Bắc đến một tháng và lệch vụ so với phần lớn các vùng trồng vải truyền thống khác nên vải Dak Lak rất hút hàng, bán được giá và cung không đủ cầu.

Kết quả này cho thấy cây vải hoàn toàn có thể phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, tạo ra sản phẩm mới và ngành nghề mới cho người dân Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, để cây vải phát triển nhanh và bền vững thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, rất cần sự quan tâm của các cấp ngành ở địa phương, đặc biệt sự nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng giống vải chín sớm này, nhất là giải quyết được hai yếu tố cơ bản mà hiện nay người nông dân trồng vải chưa tìm ra lời giải. Đó là xác định được lượng nhu cầu về độ lạnh (bao nhiêu đơn vị lạnh - CU) để hình thành và sinh trưởng hoa của từng giống vải cụ thể; lượng nước tiêu hao cho một ki-lô-gam quả vải chín tính từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch là bao nhiêu lít.

Hy vọng từ thực tiễn sản xuất của nông dân trồng vải Dak Lak, cây vải sẽ sớm trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị, là hướng đi xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân trên vùng đất cao nguyên.

Phạm Thế Quốc

Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Ba Đình (D602 Quảng Đức) 


Ý kiến bạn đọc