Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng măng tây xanh ở Cư Kuin

14:16, 21/04/2012

Sau khi xuất ngũ năm 1990, anh Trần Văn Lương đưa gia đình vào Dak Lak sinh sống, định cư tại buôn Pley Năm, xã Ea Ktur (Cư Kuin). Cuộc sống gia đình ban đầu gặp không ít khó khăn. Không cam chịu cảnh nghèo, bên cạnh việc chăm sóc vườn cà phê 2 sào, anh Lương còn thử thực hiện các mô hình kinh tế như: nuôi nhím, thỏ, heo, gà… tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao do sự eo hẹp về nhân công.

Tháng 6-2011, trong một chuyến sang Đà Lạt thăm anh em, anh Lương đã tiếp cận mô hình trồng cây măng tây xanh rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau một thời gian cân nhắc, anh quyết định mua hạt giống về ươm để trồng, đồng thời nhờ bạn tư vấn một số vấn đề về kỹ thuật trồng măng tây xanh vì loài cây này tương đối “khó tính”. Sau khi xem xét, khảo sát điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, bạn anh cho biết đất nhà anh trồng được măng tây xanh. Anh đã mạnh dạn chặt bỏ 2 sào cà phê già cỗi của gia đình, đặt mua 0.5 kg hạt giống có xuất xứ từ Mỹ hết 15 triệu đồng. Trung tuần tháng 10-2011, anh bắt đầu trồng cây măng tây xanh trên diện tích 2 sào. Hiện tại, đám măng tây xanh của anh Lương đã cao khoảng trên dưới một mét. Anh Lương cho biết: “Đầu tư trồng măng tây xanh đòi hỏi phải có số vốn lớn và người trồng phải có một chút mạo hiểm. Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí ban đầu cho 2 sào măng tây xanh của gia đình tôi đã hết gần 60 triệu đồng. Hiện đám măng tây đang trong quá trình sinh trưởng, đẻ măng non, và bắt đầu cho thu hoạch bói…” Mặc dù mới trồng được hơn 6 tháng nhưng hiện nay với 2 sào măng tây xanh, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch từ 7 - 10 kg,  trừ chi phí còn lãi gần 300.000 đồng/ngày. Từ năm thứ 2 trở đi, cây sẽ bắt đầu cho thu hoạch ổn định, người trồng măng tây xanh sẽ bẻ măng thường xuyên trong khoảng 9 tháng, 3 tháng còn lại người trồng phải cho măng nghỉ ngơi, chăm sóc để dưỡng sức.

Ông Nguyễn Cảnh Danh, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Cư Kuin đánh giá: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư Kuin, anh Trần Văn Lương là người duy nhất trồng cây măng tây xanh này. Mặc dù hiệu quả của mô hình chỉ mới ở bước đầu song hy vọng đây sẽ là hướng đi mới để nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin vươn lên làm giàu”.

Quỳnh Liên


Ý kiến bạn đọc