Hợp tác xã thổ cẩm - mây tre đan Ea Kao: Tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm
Năm 1991, ông Nguyễn Hữu Quân cùng vợ là bà Dương Thị Phượng rời làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (cũ) – nơi có làng nghề đan lát nổi tiếng bao đời để vào Dak Lak lập nghiệp. Buổi đầu trên vùng đất mới cuộc sống rất khó khăn, nhưng sẵn có nghề gia truyền trong tay, vợ chồng ông Quân vào rừng tìm tre về đan các vật dụng gia đình đem ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Thấy hàng đẹp, chắc chắn nên nhiều người đã tìm đến mua, đặt hàng, khi cái rá, khi ủ ấm, cái mủng hay sọt đựng quả. Càng ngày, người tìm mua, đặt hàng càng nhiều, làm ngày làm đêm vẫn không đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một góc xưởng sản xuất của HTX Thổ cẩm – Mây tre đan Ea Kao. |
Nhận thấy nguồn nguyên liệu, nhân công dồi dào, đặc biệt là lúc nông nhàn, ông Quân đã đứng ra thuyết phục và trực tiếp dạy nghề mây, tre đan cho bà con trong xã. Nghề đan lát tuy không cần nhiều sức, thích hợp với mọi lứa tuổi nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì, ngồi cả ngày một nơi nên nhiều người buổi đầu thì hăng say sau đó lại bỏ cuộc. Năm 2002, ông Quân đã đứng ra thành lập HTX thổ cẩm – mây tre đan Ea Kao để vừa tạo sự liên kết vừa huy động vốn để gắn trách nhiệm cho các thành viên. Được thành lập với 16 thành viên ban đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm kinh doanh, hàng hóa truyền thống làm ra không đủ sức cạnh tranh với hàng hóa công nghiệp nên khó tìm thị trường tiêu thụ. Ban đầu, HTX chỉ sản xuất những mặt hàng thủ công đơn giản, nhỏ lẻ như ủ ấm, cơi trầu, sọt đựng hoa quả... bán ở các khu trung tâm, chợ huyện. Để tìm kiếm, mở rộng thị trường, ông Quân đã tham gia triển lãm tại các hội chợ thương mại, làng nghề truyền thống để vừa giới thiệu vừa bán sản phẩm. Dần dần, từ những mặt hàng nhỏ có giá thấp trên dưới 100 nghìn đồng, khách hàng đã mua những sản phẩm có giá cao hơn. Các sản phẩm của HTX bền, chắc, đường nan đều, đẹp nhờ kế thừa những kinh nghiệm gia truyền. Bà Dương Thị Phượng chia sẻ: “Tre nguyên liệu phải là những thân cây to, đốt dài, thường thu mua ở các vùng lân cận vào thời điểm từ tháng 3 tới tháng 8 và được phơi khô hẳn mới chẻ đan. Để có sản phẩm đẹp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nan tre phải dẻo, nhẵn, đều. Mỗi sản phẩm, sau khi hoàn thành đều được xử lý mối mọt theo bí quyết gia truyền”.
Với nguyên tắc lấy chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu, tên tuổi của HTX thổ cẩm - mây tre đan Ea Kao ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, đặc biệt là các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. HTX nhận được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp để xuất khẩu đi nước ngoài. Để thực hiện đúng hợp đồng, năm 2010, HTX đã đầu tư hơn 150 triệu đồng mua máy ra thanh, máy đánh dập đốt, máy bóc ruột, máy chẻ nan, máy uốn vành… phục vụ sản xuất. Và hiện tại, cơ sở đã có gần 20 máy móc các loại với tổng giá trị lên tới hơn 300 triệu đồng. Việc cơ giới hóa trong sản xuất hàng thủ công đã tạo đà phát triển cho HTX thổ cẩm – mây tre đan Ea Kao. Từ một HTX hoàn toàn sản xuất bằng thủ công chuyển sang dây chuyền chuyên nghiệp hiện đại, mỗi công đoạn có một người phụ trách, sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng hơn, bên cạnh các mặt hàng truyền thống là những mặt hàng cao cấp như bàn, ghế mây với đủ kiểu dáng, màu sắc. Hiện tại, HTX đang thực hiện hợp đồng cung cấp sọt đựng hoa quả với Công ty TNHH Hùng Tiến Phát – một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này đi Đài Loan với số lượng 30.000 cái/tháng.
Tạo công việc với thu nhập ổn định, HTX thổ cẩm-mây tre đan Ea Kao đã giữ chân nhiều người gắn bó với nghề. Chị Nguyễn Thị Trúc Ly, công nhân của HTX cho biết, năm 2004 chị bắt đầu tham gia vào HTX, công việc đơn giản, nhẹ nhàng với mức lương ổn định 3 triệu đồng/tháng; nếu nhận sản phẩm về nhà đan thêm lúc rảnh rỗi thì có thêm 200.000-500.000 đồng/tháng, cao hơn các nghề khác như phụ hồ, bốc vác đã từng làm. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, từ năm 2005 tới nay, có hơn 40 nhân công là học viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh (ở thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Krông Pak) tham gia chuyên đan các mặt hàng bằng mây như ủ ấm, cơi trầu… cho HTX. Đơn vị cũng đang liên hệ với Trại giam tỉnh để thuê nhân công sản xuất các mặt hàng tre đan. Với phương thức ăn theo sản phẩm, thu nhập bình quân của các nhân công từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng. Dự kiến, năm 2012, HTX sẽ đan các mặt hàng ủ ấm, bình hoa, cơi trầu, ghế mây, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên.
Nguyễn Hường
Ý kiến bạn đọc