Làm giàu nhờ mạnh dạn áp dụng cách làm ăn mới
Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Y Út Byă (còn gọi là Ama Min) trên vùng đất Ea Trang (M’Drak) đầy nắng gió và sỏi đá rất nghèo khổ, vất vả. Ông kể: “Thậm chí lúc hai vợ chồng mới lấy nhau, đến cái nồi nấu cơm cũng chẳng có”.
Cuộc sống lại càng túng quẫn hơn khi 7 đứa con lần lượt ra đời. Hằng ngày vợ chồng Ama Min phải làm việc quần quật, lăn lóc dưới các chân đồi từ sáng sớm đến tối khuya mà vẫn không đủ ăn. Ama Min buồn lắm, ông bắt đầu suy nghĩ và nghiệm ra rằng: nếu chỉ dùng sức thì chẳng bao giờ thoát được cái nghèo đâu, mà phải biết dùng cái đầu thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy các loại giống cây địa phương thường cho năng suất thấp, Ama Min bắt đầu tìm cách cải thiện giống cây trồng vật nuôi. Ông tìm tòi đọc sách báo, nghe các chương trình khuyến nông trên đài, thậm chí mỗi khi nghe ở đâu đó có người mới lai tạo thành công một giống cây trồng mới là Ama Min lại lặn lội tìm đến để tham khảo, học hỏi… Từ những kinh nghiệm học hỏi, đúc rút từ thực tế và áp dụng các thành tựu khoa học ông bắt đầu lai tạo các loại giống nông sản địa phương để đưa vào trồng thử nghiệm. Khi các giống này cho thu hoạch với kết quả cao, ông mới mạnh dạn đưa vào trồng đại trà trên diện tích vợ chồng ông đã khai hoang trước đấy. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được từ 6-8 tấn ngô, lúa phục vụ nhu cầu gia đình, chăn nuôi, số dư thừa bán ra thị trường thu hàng chục triệu đồng.
Chủ động được nguồn lương thực, gia đình ông tiếp tục đầu tư làm chuồng trại để chăn nuôi. Từ đào ao, thả cá ban đầu, ông mở rộng sang chăn nuôi bò, heo, hình thành được mô hình kinh tế VAC. Không dừng lại ở đấy, năm 2005 được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn theo mô hình trình diễn, ông lại tiếp tục đầu tư vào trồng rừng, đến nay gia đình ông đã trồng được gần 10 ha rừng keo lấy gỗ. Hiện nay gia đình Ama Min đã rất thành công với mô hình kinh tế VACR, từ tất cả các nguồn thu, trừ chi phí hằng năm gia đình ông thu về từ 200 - 250 triệu đồng. Cuộc sống ổn định, ông có điều kiện đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, cả 7 người con của ông đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Gia đình ông còn xây dựng nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ông Y Mat Byă, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trang nhận xét: “ Ea Trang là một xã nghèo, 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Từ xưa đến nay nhiều người dân ở đây vẫn có tư duy bảo thủ, sợ cái mới, sợ thay đổi và không dám làm theo nên nhiều hộ đã nghèo càng nghèo thêm. Ama Min là một điển hình tiêu biểu trong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, xứng đáng là tấm gương nông dân vượt khó, sản xuất kinh doanh giỏi được mọi người học tập và làm theo”
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc