Mất trắng hơn 1000 ha lúa vì…32 m đê lở
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Lak, diện tích lúa bị ngập lụt rơi vào 3 xã trọng điểm sản xuất lúa nước của huyện là Dak Liêng, Buôn Triết, Buôn Tría với tổng diện tích thiệt hại 1.280ha và khả năng mất trắng đối với số diện tích này là rất cao vì hầu hết lúa đang thời kỳ trổ bông, ngậm sữa..
Khóc lúa!
Xã Buôn Triết là nơi bị thiệt hại nặng nhất, gần 1000 ha lúa hè thu bị lũ tiểu mãn nhấn chìm vào khoảng tháng 3 vừa qua. Dọc con đường vào xã, mùi hôi thối lúa chết úng bốc lên nồng nặc. Hai bên đường, từng đống lúa bám đầy bùn đen vừa được người dân vớt về sau đợt ngập lụt.
Đoạn đê suối cụt bị lỡ. |
Gặp chúng tôi, anh Tri Công Nghĩa (trưởng thôn Tân Cường, xã Buôn Triết) buồn rầu: nhà có gần 2 ha lúa nước, nếu thời tiết thuận lợi, dự tính vụ này gia đình sẽ thu về khoảng chục tấn lúa. Vậy mà, sau trận lụt vừa rồi, may lắm chỉ thu được hơn hai tấn. Lúa thu về toàn một màu đen, gạo bị ngâm nước lâu ngày có mùi hôi rất khó chịu, không thể ăn nổi. Anh Nghĩa cho biết, so với nhiều hộ trong thôn, anh còn may mắn hơn nhiều, bởi có những hộ không thu được hạt lúa nào. Anh Nghĩa kể: trong thôn có cặp vợ chồng mới cưới, vay mượn mua được 5 sào ruộng, mới trồng được một vụ thì gặp trận lụt, lúa bị mất trắng, nợ chồng chất, chủ nợ liên tục đến đòi khiến hai vợ chồng phải đóng cửa nhà đi tá túc người thân nhiều ngày rồi chưa về.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Phạm Thị Tích có hơn 1ha lúa đang kỳ trổ bông bị nước vào ngâm cả tuần giờ thối rục, chẳng còn hy vọng thu được hạt nào. “Tốn hơn hai mươi triệu tiền đầu tư phân, giống, thuê nhân công, nay chẳng thu được gì, giờ không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ và có gạo để ăn cho đến vụ sau” - bà Tích rầu rĩ.
Chủ tịch xã Buôn Triết Nguyễn Đăng Trọng tâm sự: xã bị thiệt hại gần 1.000 ha lúa. Hiện nay người dân đang rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời hàng ngàn hộ dân của xã sẽ có nguy cơ thiếu đói. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: đợt lũ vừa rồi “cuốn trôi” ít nhất trên 50 tỷ đồng của người dân. Hiện đoàn liên ngành của huyện đang tổ chức kiểm tra, xác minh lại diện tích bị thiệt hại, đồng thời, Phòng cũng đã kiến nghị lên huyện, tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ lúa giống cho những hộ mất trắng để họ có giống sản xuất vụ hè thu; hỗ trợ gạo cứu đói, khoanh nợ ngân hàng đối với những hộ bị ngập lụt và mất trắng.
Những ý kiến không được lưu tâm...
Còn nhớ, vào tháng 10-2011, trong một đợt lũ, đường suối cụt (thuộc xã Dak Liêng) bị vỡ một đoạn dài 32m, sâu hơn 10m. Chính đoạn đê bị vỡ này đã tạo điều kiện để nước sông Krông Na dễ dàng tràn vào “tấn công” vựa lúa của huyện Lak. Đường suối cụt rộng 8m, dài 3 km là tuyến đường giao thông chính nội đồng mà người dân 3 xã dùng để đi lại và sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, con đường này còn là tuyến đê bao quan trọng giúp ngăn lũ tiểu mãn thường xảy ra vào cuối năm và các tháng 3, tháng 4 của năm sau.
Đến tháng 12-2011, từ đoạn đê vỡ này, nước lũ đã tràn vào gây ngập úng 50 ha lúa vụ đông xuân vừa gieo sạ của xã Buôn Triết. Nguy cơ nước lũ xâm nhập sâu vào những cánh đồng khác đang hiện hữu. Trước tình trạng trên, người dân hai xã Buôn Triết và Buôn Tría đã nhiều lần kiến nghị lên huyện sớm cho đắp lại đoạn đê vỡ, nếu không thiệt hại sẽ là rất lớn. Nhưng rồi, những ý kiến phản ánh của người dân đã không được chính quyền cấp trên lưu tâm. Và trong cơn bão số 1 vừa qua, nước sông Krông Na dâng cao đã tràn vào đoạn đường suối cụt bị vỡ trước đó, đổ thẳng về gây ngập lụt các cánh đồng Buôn Triết và Buôn Tría, Dak Liêng. Hơn 1000 ha lúa đang kỳ trổ bông bị nhấn chìm.
Cũng theo ông Chiến, Phòng NN-PTNT đã hai lần tham mưu cho UBND huyện làm tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương đầu tư, sửa chữa đoạn đường này vì ngân sách của huyện quá eo hẹp, nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý. Ước tính, chi phí để sửa chữa, kiên cố 32m đường đê suối cụt bị vỡ vào khoảng 2 tỷ đồng. “Đó cũng mới chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài thì cần phải có một đê bao chạy dọc sông Krông Na khoảng 1km, khi đó mới kiểm soát được lũ tiểu mãn” – ông Chiến cho biết.
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc