Năng động vượt khó vươn lên thoát nghèo
Quê ở huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa), vùng quê nghèo, quanh năm lũ lụt, đất đai cằn cỗi, diện tích đất canh tác ít, lại đông con nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình ông Vũ Tiến Tư và bà Trịnh Thị Duyên. Năm 1991, gia đình ông Tư bồng bế năm đứa con nhỏ và một mẹ già lên Dak Lak lập nghiệp, định cư tại thôn 1, xã Ea Kmút (Ea Kar) với hy vọng cuộc sống sẽ ấm no hơn, tốt đẹp hơn.
Ngày đầu vào lập nghiệp, vốn liếng cũng không có nhiều nhưng bằng ý chí và nghị lực, chịu thương, chịu khó, hai vợ chồng ông Tư đã bắt tay vào lao động, sản xuất, một thời gian sau đó đã mua được 3 sào đất vừa dùng để làm nhà ở, vừa trồng khoảng 200 gốc cà phê. Đến năm 1992, ông bà lại sinh thêm một người con. Nỗi lo cơm áo lúc này càng nặng nề hơn. Vợ chồng ông Tư phải làm thêm bánh tráng bán, kiếm thêm đồng rau cho gia đình, trang trải cuộc sống hằng ngày. Năm 2000, được vay khoảng 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cộng với 4 triệu đồng mượn từ quỹ Hội Cựu chiến binh thôn 1, xã Ea Kmút, ông bà đã quyết định đầu tư mua một máy xay bột làm bánh tráng (trung bình mỗi ngày gia đình bác xay được hơn 30 kg gạo), nấu rượu để bán lẻ cho người dân trong thôn và làm 1,5 ha lúa nước. Để tận dụng các chất thừa từ việc làm bánh, nấu rượu, ông Tư đã nuôi 6 con heo nái, mỗi năm đàn heo sinh được 12 lứa, thu nhập bình quân từ việc bán heo con mang lại cho gia đình ông 30 triệu đồng/năm. Gia đình ông còn xây một bể biôga tận dụng chất thải từ chăn nuôi heo làm khí đốt cho sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, gia đình ông Tư đã có kinh tế ổn định, thoát được cảnh nghèo, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền trong nhà. Các con đều trưởng thành, được ăn học đến nơi đến chốn.
Bên cạnh việc làm kinh tế, ông Tư và bà Duyên còn rất nhiệt tình với công tác xã hội. Bà Duyên hiện là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 1, còn ông Tư là Chi hội phó cựu chiến binh của thôn.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc