Multimedia Đọc Báo in

Nợ đọng bảo hiểm: Nhìn từ các doanh nghiệp cà phê

09:24, 13/04/2012

Câu chuyện nợ bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (sau đây xin gọi chung là bảo hiểm xã hội - BHXH) của người làm công ăn lương tại các doanh nghiệp đã không còn là chuyện mới. Việc thu, nộp BHXH ở các doanh nghiệp đã khó, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê lại càng khó hơn.

Việc chậm và nợ thu nộp BHXH đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, ngoài nguyên nhân chủ quan cũng có những tác động của các yếu tố khách quan.
Việc chậm và nợ BHXH đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, ngoài nguyên nhân chủ quan cũng có những tác động của các yếu tố khách quan.

Gần 29 tỷ đồng là số nợ BHXH của 75 đơn vị trên địa bàn tỉnh, thời gian nợ từ 3 tháng trở lên, đây là số liệu mới nhất Bảo hiểm Xã hội tỉnh công bố. Sự gia tăng nợ BHXH khiến quyền lợi chính đáng của người lao động thiệt đơn, thiệt kép. Đáng chú ý trong danh sách nợ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê chiếm số đông, như:  Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Tul nợ 4 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Dray H’linh 1,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715A 1,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 715C 1,2 tỷ đồng…

Tạm gác yếu tố chây ỳ, không chịu thu nộp của một số đơn vị làm ăn có hiệu quả, phải thừa nhận là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh đang đối diện với những khó khăn có tính đặc thù trong thu BHXH. Đó là mặt hàng nông sản có tính chất thời vụ, lại chịu nhiều rủi ro do giá cả, thời tiết. Diện tích cà phê của hầu hết các công ty lại nằm trong dân theo mô hình giao khoán. Vì thế, con số lao động của doanh nghiệp lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn nhưng số đóng BHXH có khi chỉ hàng chục cũng xuất phát từ những đặc điểm này. Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 721 Hoàng Bình Minh phân tích cụ thể hơn: Các công ty, nông trường trước đây đang mắc một “căn bệnh” chung là nhiều lao động không giới hạn tuổi, có nghĩa hết tuổi lao động, đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục nhận giao khoán với công ty. Sự gắn bó và cần thiết của diện tích cà phê, đất lúa với cuộc sống mưu sinh đã khiến họ coi đó như tài sản của gia đình mình, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia để làm. Các công ty có muốn thu hồi lại để giao khoán cho lao động mới, công nhân mới, đúng độ tuổi cũng khó vì tuyển dụng không dễ khi xu hướng thế hệ trẻ muốn thoát khỏi lũy tre làng.

Phân tích của ông Minh còn khiến người ta nghĩ đến một bất cập khác. Phần đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê được tính trong định mức khoán. Trong khi đó, việc giao nộp của công nhân đâu phải ai cũng hết mùa là nộp, chưa kể đến chuyện mất mùa rớt giá. Nếu việc điều hành, quản lý, đôn đốc không kịp thời, không hiệu quả thì việc nợ chồng lên nợ là tất yếu. Thực trạng ấy đang diễn ra ở Công ty TNHH Một thành viên Dray H’linh đứng chân trên địa bàn xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột. Công ty có 978 lao động nhận  khoán với diện tích 1.026 ha cà phê, hoa màu, nhưng hiện tại chỉ có 82 lao động đóng BHXH. Cho đến nay đơn vị này đã nợ BHXH khoảng 1 tỷ 900 triệu đồng, thời gian kéo dài gần 4  năm. Nợ bảo hiểm kéo dài năm này qua năm khác, trong khi hơn 100 tấn cà phê các lao động nhận khoán còn nợ công ty chưa đòi được thì việc đóng BHXH càng khó khăn hơn.

Theo Bảo hiểm Xã hội Dak Lak, đối với việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp nói chung, có nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nên các  đơn vị  trong quá trình sản xuất, kinh doanh thua lỗ; bên cạnh đó  không ít doanh nghiệp chưa coi đây là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, mức xử phạt như hiện nay (không quá 20 triệu đồng đối với hành vi chậm hoặc không đóng BHXH) là không đủ sức răn đe, cơ quan bảo hiểm lại chưa có chức năng thanh tra, kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt còn hơn phải đi vay ngân hàng về nộp BHXH cho người lao động. Bởi lãi suất nợ BHXH (10,5%/năm) thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng và quan trọng là không phải làm các thủ tục đi vay. Giải quyết bất cập này, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ trình UBND tỉnh đề nghị thành lập các tổ thu nợ BHXH liên ngành.

Riêng đối với nợ đọng BHXH ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê, nói gì thì nói, đồng cảm và chia sẻ thế nào đi nữa thì về mặt quản lý Nhà nước cũng phải thừa nhận những hạn chế, yếu kém, chưa dứt điểm trong đôn đốc, xử lý các khoản nợ của công nhân. Phần đóng bảo hiểm được tính trong phương án khoán, hơn nữa hợp đồng ký kết giao khoán, chắc chắn việc chậm hoặc không nộp sản phẩm cũng là điều khoản được công ty quan tâm và quy định rõ. Có điều sự thiếu cương quyết là hệ lụy kéo theo những khoản nợ chồng lên nợ. Ở góc độ người lao động, lời khuyên của ông Nguyễn Văn Chấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh là: vì quyền lợi lâu dài của mình, đề phòng những bất trắc, rủi ro trong cuộc sống, người lao động nhận khoán trong các công ty cà phê hãy tự trang bị phương tiện bảo vệ cho mình bằng việc đóng nộp đầy đủ BHXH theo quy định; trong trường hợp đã nộp mà doanh nghiệp vi phạm chậm hoặc không đóng bảo hiểm cho mình thì có thể dựa vào vai trò của tổ chức công đoàn tại các đơn vị.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc