Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Bao giờ thành hiện thực?

08:26, 03/04/2012

Một vài năm gần đây nông dân Dak Lak đã bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, làm quen với hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt, phun sương và các biện pháp canh tác hiện đại. Đây là nỗ lực của ngành chức năng trong việc đưa các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống. Song, để tạo được nhiều vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao vẫn là giấc mơ đối với người nông dân nơi đây.

Đã định hình...

Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới, công nghệ tưới tiêu hiện đại (hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương)… trong sản xuất nông nghiệp đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh tăng lên mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ khi Dak Lak lần đầu tiên đạt 1 triệu tấn lương thực vào năm 2010, giải quyết được cơ bản vấn đề an ninh lương thực và có ý nghĩa quan trọng mở đường cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, Dak Lak đã hình thành được vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp lúa giống cho cả nước. Đặc biệt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã có nhiều công trình nghiên cứu thành công về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như lai tạo được 4 giống bơ, 4 giống cà phê vối cho năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu chuyển giao quy trình công nghệ ghép cải tạo vườn cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc; ứng dụng enzyme tách lớp nhớt của cà phê trong công nghệ chế biến ướt; sản xuất thành công các chế phẩm sinh học như phân vi sinh, chế phẩm phòng trừ bệnh do nấm Phytophthora trên cây ăn quả và cây tiêu.

Mô hình trồng rau theo công nghệ tiên tiến.

Đáng chú ý hơn là Viện đã nghiên cứu thành công hai quy trình nhân giống cà phê vối và cà phê chè bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Phương pháp này có thể nhân số lượng lớn và giữ nguyên các đặc điểm tốt của các dòng vô tính cà phê vối ưu tú đã được tuyển chọn, có năng suất cao và khả năng kháng bệnh tốt. Đặc biệt, phôi vô tính có thể bảo quản lâu dài và cho nảy mầm vào thời vụ thích hợp, từ phôi vô tính có thể tạo hạt nhân tạo, là yếu tố thuận lợi cho cơ giới hóa và tự động hóa nhân giống công nghiệp. Với cây cà phê, từ 1gr sinh khối, trong vài tháng người ta có thể tạo được 60 vạn phôi vô tính có tỷ lệ tái sinh đến 47%, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 10-15%.

Ngoài ra, mô hình sản xuất cây giống rau theo công nghệ tiên tiến do Trung tâm ứng dụng KH-CN (Sở KH-CN) triển khai cũng là điểm nhấn trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, các giống rau được gieo ươm trong giá thể sạch và được chăm sóc trong nhà màng, các khâu sản xuất hầu như được cơ giới hóa (phối trộn giá thể, dập vỉ, gieo hạt, tưới)... Qua đó, hoạt động sản xuất giống rau cho nhiều ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống, như tỷ lệ nảy mầm cao; sản xuất và cung cấp được giống rau ngay cả trong mùa mưa; giảm thời gian canh tác từ 5-7 ngày so với gieo ươm truyền thống; cây giống bảo đảm sạch bệnh do được quản lý tập trung... Bước đầu mô hình này đã cung cấp nguồn giống tốt và chủ động về giống cho địa phương.

Nhưng chưa rõ nét

Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học tại Hội thảo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Dak Lak tổ chức hồi tháng 11-2011, thì sản xuất nông nghiệp ở đây đang phát triển theo xu hướng bền vững cả ba mặt: kinh tế-xã hội-môi trường. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, Dak Lak vẫn chưa có mô hình nào rõ nét về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mà chỉ mới là những mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Nguyên nhân là do tỉnh chưa có quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, dàn trải và kém hiệu quả; phương thức canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản còn hạn chế; đầu ra cho sản phẩm không ổn định, khả năng cạnh tranh thấp; nguồn nhân lực cho công nghệ cao không nhiều và chưa được đào tạo bài bản… Trong Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Bộ NN-PTNT có mục tiêu là hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng cho đến nay ở Dak Lak vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản và rõ nét.

Vì vậy, để hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoàn chỉnh, cần có một chiến lược phù hợp cùng một lộ trình cụ thể. Trước mắt là vấn đề đầu tư cho quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn giỏi để làm nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các cây, con chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành hệ thống sản xuất giống với sự tham gia hợp lý của các thành phần kinh tế. Gắn nghiên cứu với ứng dụng và chuyển giao công nghệ; chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ. Hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế và bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng cao.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc