Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cơ sở sản xuất gạch ở Krông Ana chỉ hoạt động cầm chừng

04:44, 03/04/2012

Huyện Krông Ana là đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong việc chuyển đổi, xóa bỏ lò gạch thủ công sang sản xuất gạch sử dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, do ảnh hưởng của việc cắt giảm đầu tư công, thị trường tiêu thụ chậm, thiếu lao động trầm trọng… nên hầu hết các cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng, trong đó một số cơ sở đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Theo thì dở... bỏ không đành!

Thực tế, đến giữa năm 2010, huyện Krông Ana cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi lò gạch thủ công sang công nghệ sản xuất gạch tuy nel. Các doanh nghiệp (DN) ngoài số vốn tự có, còn huy động từ nhiều nguồn (chủ yếu vay ngân hàng) để thực hiện lộ trình chuyển đổi. Đầu tư số vốn đến hàng chục tỷ đồng, nhưng hiện các cơ sở sản xuất gạch tại địa phương chỉ hoạt động cầm chừng để bám trụ với nghề chứ không dám nâng hết công suất vì sức tiêu thụ chậm. Đơn cử như Công ty TNHH sản xuất gạch Tuy nel Việt Tân, năm 2010 đã chính thức đưa dây chuyền lò tuy nel kiểu nằm, với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng vào hoạt động. Với công nghệ tiên tiến, công ty có thể sản xuất gạch liên tục cả năm, mọi công đoạn sản xuất đều được thực hiện hoàn toàn trong nhà xưởng như: nhào đất, ra gạch, sấy khô, nung…, nhờ vậy đã giảm được chi phí nhân công cũng như khí thải ra môi trường; gạch ra lò có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Tuy vậy, những tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012, công ty chỉ sản xuất cầm chừng với công suất 10 triệu viên/năm (bằng 50% công suất thực).

Tình trạng thiếu hụt công nhân gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất gạch.

Đó không chỉ là khó khăn riêng đối với Công ty Việt Tân, mà là thực trạng chung của các cơ sở sản xuất gạch tại huyện Krông Ana. Tình trạng khan hiếm nhân công cũng khiến các cơ sở gặp nhiều khó khăn, một số chủ DN cho hay: hiện nay có nhiều cơ hội chọn nghề dành cho lao động phổ thông nên những người trước đây đã có “thâm niên” với nghề làm gạch cũng không “mặn mà” nữa. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Túy, Giám đốc Công ty Việt Tân cho biết: đây là nghề vất vả, thu nhập lại thấp hơn một số ngành nghề khác nên công nhân không “chung thủy” với cơ sở là điều đương nhiên. Cực nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, DN sản xuất gạch không dễ gì tìm được lao động. Anh Nguyễn Xuân Tải, chủ cơ sở sản xuất gạch Việt Loan thì bộc bạch, thỉnh thoảng mới có một vài công trình của dân xây dựng, nhu cầu gạch ít nên bán rất “nhỏ giọt”, cộng với tình trạng khan hiếm nhân công, nhiều lúc cơ sở muốn dừng sản xuất vì không có lãi, nhưng không thể, vì gia đình đã tập trung toàn bộ vốn liếng cho lò gạch rồi.

Loay hoay tìm giải pháp

Một trong những giải pháp tình thế được Công ty TNHH Việt Tiến Anh lựa chọn trong giai đoạn này là bảo đảm đầy đủ về phòng ăn, ở và trên hết là tiền lương cho nhân công. Theo ông Vũ Hoàng Vân, Giám đốc công ty thì dù hoạt động sản xuất cầm chừng, nhưng DN phải bảo đảm được các yếu tố cơ bản trên thì mới hy vọng giữ được công nhân. Nhưng khi sản xuất bị trì hoãn, doanh thu thấp, vấn đề tăng lương cho lao động không phải chuyện dễ đối với một số cơ sở, nhất là những cơ sở đang phải gồng mình trả lãi ngân hàng.

Ông Nguyễn Công Hạnh, Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng huyện Krông Ana nhận định: bước sang năm 2011, do tác động của việc cắt giảm đầu tư công, thực hiện đình, giãn nhiều công trình, dự án theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp xây dựng nói chung, sản xuất gạch trên địa bàn huyện nói riêng. Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, năm 2012 huyện khuyến khích các chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng các công trình công nên sử dụng vật liệu tại chỗ để phần nào giảm bớt gánh nặng cho các DN trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, Krông Ana cần sớm hoàn chỉnh quy hoạch sản xuất gạch ngói trên địa bàn, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, phục vụ cho quá trình sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp.

Huyện Krông Ana có 96 cơ sở sản xuất gạch, với 232 vỏ lò, công suất hằng năm đạt trên 245 triệu viên, tập trung ở các xã Ea Bông, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp. Trong tương lai, nếu các cơ sở sản xuất phát triển bền vững sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đổi thay diện mạo của một huyện thuần nông bên dòng Krông Ana.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc