Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững
Phát triển của ngành trồng trọt là theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng ở thị trường trong nước và xuất khẩu là mục tiêu của Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
ảnh minh họa |
Theo đó, trong cơ cấu cây trồng đến năm 2020, cây lương thực vẫn đóng vai trò chủ lực khi chiếm 50,7%, tiếp đến là cây công nghiệp chiếm 24%, còn lại là cây ăn quả và rau, đậu. Ngành cũng phấn đấu giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân từ 2 – 2,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt 49,5 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 22 tỷ USD...
Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, một số giải pháp chủ yếu được đề ra như: Cục Trồng trọt cùng các đơn vị liên quan, các địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển từng cây trồng chủ yếu trên phạm vi cả nước, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa hoặc vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến công nghiệp. Trong tổ chức sản xuất trồng trọt, Bộ khuyến khích phát triển các hình thức liên kết nông hộ để hình thành các tổ chức sản xuất – tiêu thụ, các hợp tác xã chuyên ngành. Mở rộng phương thức sản xuất theo “cánh đồng mẫu lớn” và đối tác công tư (PPP), trong đó tập trung vào cây lúa và cây trồng có thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa.
Song song với việc quy hoạch thì phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cũng là những lĩnh vực được ưu tiên. Trong đó tập trung giữ vững các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Phi-li-pin... và mở rộng các thị trường ở Đông Âu, Trung Đông nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Đối với cơ sở hạ tầng, Bộ NN-PTNT chú trọng tới phát triển thủy lợi và giao thông nông thôn. Hệ thống thủy lợi sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, bảo đảm đủ nguồn nước để khai thác có hiệu quả 4,5 triệu ha đất canh tác hàng năm. Hệ thống giao thông nông thôn ưu tiên làm đường ở các vùng cao, miền núi, nhất là các huyện có tỷ lệ nghèo trên 50% để tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm...
Theo agroviet.gov.vn
Ý kiến bạn đọc