Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xây dựng cơ bản

08:03, 18/04/2012

Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) luôn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp XDCB đều trong tình trạng khát vốn, chờ vốn. Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cấp  chính quyền địa phương.

Những áp lực từ cân đối, bố trí nguồn vốn

Từ đầu năm 2012, việc phân bổ vốn đầu tư được triển khai thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 1792/CT – TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ – CP của Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều công trình XDCB ở vào tình trạng khó khăn, chậm tiến độ. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của tỉnh hạn hẹp, số lượng dự án khá lớn nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu; lãi suất ngân hàng cao, huy động vốn thi công của các doanh nghiệp hạn chế; vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng… cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công.

Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, nhiều công trình XDCB thiếu vốn nên ảnh hưởng đến tiến độ  thi công.
Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, nhiều công trình XDCB thiếu vốn nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tình hình khó khăn chung đó, việc áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói càng làm cho doanh nghiệp (DN) thiếu hụt về vốn, vì vậy, không ít DN đã kiến nghị cho áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá. Sở cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công văn kiến nghị UBND tỉnh cho phép áp dụng hình thức hợp đồng này thay cho hợp đồng trọn gói đối với các hoạt động xây lắp có thời gian thực hiện trên 12 tháng. Trước mắt, giá hợp đồng chỉ được điều chỉnh chi phí nhân công và tiền lương thợ lái máy, việc điều chỉnh bù giá vật liệu phải chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Còn đối với những công trình chuyển tiếp đến nay vẫn chưa được bố trí vốn, gây nhiều khó khăn, trở ngại cho nhà đầu tư, DN được lý giải: do biến động tăng về chế độ chi phí nhân công, đơn giá XDCB nên luôn có sự điều chỉnh tăng dự toán công trình so với quyết định phê duyệt ban đầu; nhu cầu đầu tư XDCB lớn trong khi nguồn cân đối ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp. Việc thực hiện chính sách phân cấp phê duyệt dự án và nguồn lực đầu tư đã mang lại kết quả nhất định, cấp huyện đã chủ động hơn trong việc chuẩn bị dự án và nguồn bố trí đầu tư. Tuy nhiên, do quy định về phân cấp phê duyệt dựa trên tổng mức đầu tư nên một số dự án được phê duyệt có quy mô, tiêu chuẩn quá mức cần thiết, gây lãng phí  và làm tăng nhu cầu vốn đầu tư. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, việc phân cấp nguồn vốn đầu tư phải đi đôi với phân cấp các công trình do huyện đầu tư, nhưng quá trình thực hiện nguyên tắc này chưa triệt để, chưa phân định rành mạch trách nhiệm giữa cấp huyện và cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng vốn được giao về cấp huyện tự cân đối, nhưng huyện vẫn đề nghị ngân sách tỉnh bố trí làm cho áp lực vốn đầu tư đối với ngân sách tỉnh tăng lên, dẫn đến mất cân đối. Mặt khác, năng lực tư vấn kém và trách nhiệm một số chủ đầu tư chưa cao nên một số công trình sau khi triển khai đã đề nghị điều chỉnh quy mô, kéo theo tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng, nhất là trong lĩnh vực giao thông thủy lợi. Tính đến nay, lĩnh vực giao thông đã có 19 công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh do điều chỉnh quy mô làm tổng mức đầu tư tăng lên trên 576 tỷ đồng, tương ứng với 75,5% tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, gây khó khăn cho việc cân đối.

Đâu là giải pháp?

Đến hết quý I -2012, tổng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc NSNN năm 2012 đã phân bổ trên 1.924 tỷ đồng. Trong đó nguồn giao kế hoạch đầu năm là 1.827,2 tỷ đồng, còn lại là vốn bổ sung từ nguồn kết dư ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh năm 2010, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chương trình 135 năm 2011… Nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thi công các công trình XDCB, ngành chức năng và chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên rà soát các dự án đang thực hiện, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý để đề xuất UBDN tỉnh quyết định đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện dự án, hoặc đề xuất cắt giảm quy mô dự án nếu thấy chưa thực sự cần thiết nhất là các dự án lớn, số vốn còn thiếu nhiều nhưng chưa có nguồn bố trí. Tuy nhiên, việc yêu cầu đình hoãn, giãn tiến độ quy mô dự án phải bảo đảm không làm giảm chất lượng công trình và hoạt động của đơn vị, cũng như không điều chỉnh tăng quy mô, bổ sung hạng mục (trừ các dự án có ý kiến đồng ý của cấp thẩm quyền). Song song đó, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện nhiệm vụ rà soát các dự án đã và đang thực hiện, các dự án đã có quyết định phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện để lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2013-2015. Việc bố trí vốn XDCB cho kế hoạch trung hạn giai đoạn này được xây dựng theo thứ tự ưu tiên: các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán, dự án hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp, các dự án mở mới có đủ điều kiện  theo quy định. Mức vốn bố trí bảo đảm không quá 3 năm đối với đự án nhóm C, 5 năm với dự án nhóm B…

Để hoạt động đầu tư hiệu quả, các ngành chức năng, địa phương cần chủ động tổ chức lồng ghép các nguồn vốn (trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu Quốc gia…), trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm. Một trong những giải pháp mang tính căn cơ là ngành chức năng phối hợp với chính quyền các cấp thực tập trung gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, xử lý việc bồi thường khi thu hồi đất. Những dự án đã được giao kế hoạch vốn đầu tư nhưng chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư phải tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành…

L.H


Ý kiến bạn đọc