Multimedia Đọc Báo in

“Bà đỡ” của thanh niên nông thôn

08:33, 23/05/2012

Thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ 75% tổng số thanh niên toàn tỉnh, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để thanh niên nông thôn gắn bó với ruộng đồng, duy trì các nghề truyền thống rất cần vốn đầu tư. Thông qua các kênh cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh, từ năm 2005 đến nay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Dak Lak đã cho hơn 17 nghìn hộ thanh niên nghèo vay trên 258 tỷ đồng.

Mô hình  nuôi cá  nước ngọt  cho  thu nhập  cao của  thanh niên Nguyễn  Duy Thuần  (thôn An Na,  xã Dray Sáp,  huyện  Krông Ana).
Mô hình nuôi cá nước ngọt cho thu nhập cao của thanh niên Nguyễn Duy Thuần (thôn An Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana).

Để giúp các hộ thanh niên nghèo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay, NHCSXH Chi nhánh Dak Lak đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các thủ tục cho vay. Nếu như trước đây, các hộ muốn vay vốn phải được cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống xác minh, tìm hiểu khả năng hoàn trả thì nay chỉ cần làm giấy đề nghị với tổ quản lý vay vốn ở các thôn, buôn lập danh sách theo tiêu chí có sự giám sát của chi đoàn thanh niên rồi chuyển lên Ban xóa đói giảm nghèo của xã xác nhận. Căn cứ vào danh sách được bình xét, NHCSXH sẽ phát sổ theo dõi các khoản vay theo (hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm, vay học sinh, sinh viên con hộ nghèo...) tới từng gia đình và khoảng sau 3 ngày họ đã có thể nhận được vốn vay. Mức vay cũng được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện làm ăn của hộ nghèo, từ 10-20 triệu đồng, tối đa 30 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, tại phòng giao dịch ở các xã đều niêm yết công khai các nội dung về quy chế cho vay, lãi suất... Hiện có 184 điểm giao dịch ở các xã và hàng trăm tổ tiết kiệm hoạt động ở khắp thôn, buôn, hàng tháng các tổ trưởng tổ tiết kiệm đều được tập huấn quy trình vay vốn với các nội dung như: Phổ biến, triển khai các văn bản mới, giải đáp các vướng mắc, đánh giá hoạt động của tháng trước và đề ra nhiệm vụ tháng sau… Do đó,  việc cho vay và thu hồi vốn vay cơ bản bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời gian theo quy định. Bà Đỗ Thị Mến, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Dak Lak cho biết: “Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Ngân hàng luôn giám sát được chặt chẽ nguồn vốn, giúp họ sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả vốn vay. Với mạng lưới giao dịch lưu động được triển khai rộng khắp đến các xã trên địa bàn tỉnh, hàng tháng ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc các nghiệp vụ giải ngân, thu nợ, thu lãi và các giao dịch khác”.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều thanh niên nông thôn đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. H’Kép Ayun (buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pak) có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ mù lòa, cô chị song sinh và người anh bị tâm thần. Tham gia sinh hoạt Đoàn, cô tìm thấy niềm vui và điểm tựa để vươn lên thoát nghèo. Từ 5 triệu đồng vay tín chấp NHCSXH thông qua tổ chức đoàn, cô đầu tư chăn nuôi, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do Đoàn xã tổ chức. Thấy giống bò, heo ở địa phương nuôi không hiệu quả, H’Kép mạnh dạn mua giống nơi khác về cho lai để cải tạo, từ một vài con ban đầu đã tăng lên hàng chục con. H’Kép có điều kiện mua thêm 4 ha đất làm ruộng, trồng ngô, cà phê. Đến nay, cô đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, xây dựng nhà cửa khang trang. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, H’Kép còn tích cực hướng dẫn và hỗ trợ vốn cho các bạn trong buôn làm kinh tế.  Năm 2009 H’Kép nhận giải thưởng Lương Đình Của cả buôn Puăn B ai cũng vui mừng. Lớn lên trên mảnh đất còn nghèo khó, gia đình đông anh chị em, cha mẹ một nắng hai sương vất vả, anh Nguyễn Duy Thuần, (thôn An Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) luôn nung nấu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Nhưng tìm đâu ra vốn để đầu tư là một câu hỏi khó với những thanh niên ở nông thôn như anh. Năm 2009, thông qua tổ chức Đoàn anh mạnh dạn làm đơn vay 20 triệu đồng vốn ủy thác NHCSXH. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, tìm hiểu  anh đã xây dựng thành công mô hình VAC (trồng bí đao, chăn nuôi heo và đào ao thả cá), mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng…

Đó là những gương thanh niên tiên tiến điển hình vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH Chi nhánh Dak Lak. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Y Nhuần Byă hơn 70% thanh niên được vay vốn đã chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2012 NHCSXH Chi nhánh Dak Lak phấn đấu duy trì 10% ngân sách vốn giúp các hộ thanh niên nghèo vay giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc