Multimedia Đọc Báo in

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Triển vọng từ chính sách hỗ trợ

08:07, 22/05/2012

Để phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài nỗ lực của ngành nông nghiệp cũng cần có sự tác động của Nhà nước thông qua các giải pháp, chính sách…

Chăn nuôi, trồng trọt đều tăng trưởng

Theo kết quả khảo sát diễn biến cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo ngành của tỉnh từ năm 2000 đến năm 2010 cho thấy: giá trị sản xuất nông nghiệp cả thời kỳ đều tăng trưởng liên tục, trong đó cao nhất là chăn nuôi và thấp nhất là trồng trọt.

Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn chăn nuôi nên tốc độ tăng trưởng của ngành này trong những năm qua khá cao. Giai đoạn 2000-2005, đàn gia súc liên tục tăng từ 544.277 con lên 865.724 con, bình quân tăng 9,7%; giai đoạn 2006-2010 mức tăng không nhiều, chỉ 1%, trong đó đàn heo chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,32% năm 2010, tiếp theo là đàn bò 21%, còn lại trâu và dê chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Số lượng gia cầm tuy có biến động, nhưng đều tăng qua các năm, trong đó đàn gà có số lượng lớn nhất: năm 2000 có trên 2,8 triệu con, năm 2010 tăng lên gần 5,8 triệu con, chiếm 80,88% trong tổng đàn gia cầm. Gia cầm khác: vịt, ngan, ngỗng có số lượng đàn không nhiều, chỉ chiếm tỷ trọng 19,12%. Ngoài ra, có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi cần phải kể đến là đàn ong mật, năm 2010, toàn tỉnh có 156.059 đàn, tăng gần 5 lần so với năm 2000. Sản phẩm ong mật theo đó cũng tăng lên, từ 1.400 tấn năm 2000 lên 3.987 tấn năm 2010, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Có thể thấy, chăn nuôi là ngành có sự chuyển dịch tăng khá lớn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2000-2005 tăng 4,55%, đến giai đoạn 2005-2010 tăng 4,95% nên ngày càng chiếm ưu thế về giá trị sản xuất lẫn tỷ trọng trong cơ cấu ngành.

Cây tiêu đang mang lại giá trị sản xuất cao cho ngành nông nghiệp tỉnh.
Cây tiêu đang mang lại giá trị sản xuất cao cho ngành nông nghiệp tỉnh.

Ngành trồng trọt đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhờ mở rộng diện tích canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng cũng như tăng vụ nên diện tích gieo trồng trong những năm qua cũng tăng lên đáng kể, nhất là cây hàng năm. Giai đoạn 2000-2010, bình quân mỗi năm tăng khoảng 18.674 ha, trong đó có sự chuyển dịch của hai nhóm cây trồng. Năm 2000, cây hàng năm chiếm 44,04%, cây lâu năm chiếm 55,96%, đến năm 2010 tỷ lệ cây hàng năm tăng lên 53,6%, cây lâu năm giảm còn 46,4%. Tuy tăng trưởng liên tục về giá trị sản xuất (3,8% giai đoạn 2000-2005 và 6,8% giai đoạn 2005-2010), nhưng nội bộ ngành trồng trọt cơ cấu thay đổi vẫn không đáng kể, đóng góp nhiều nhất vào giá trị sản xuất của ngành vẫn là cây công nghiệp: năm 2000 gần 3.300 tỷ đồng, chiếm 79%, đến năm 2010 trên 14.600 tỷ đồng, chiếm 67,38%.

Ngành thủy sản hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp nhưng đang có sự phát triển khá: giai đoạn 2000-2005, giá trị sản xuất tăng từ 72,77 tỷ đồng lên 101,44 tỷ đồng; giai đoạn 2005-2010, giá trị sản xuất tăng gấp 3,66 lần so với 2005 nên tỷ trọng ngành thủy sản đã chuyển dịch tăng 0,30%. Ngoài ra, lĩnh vực lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch nhưng không đáng kể và đang có xu hướng giảm về tỷ trọng trong cơ cấu ngành.

Triển vọng từ chính sách hỗ trợ

Có thể thấy, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt những thành tựu đáng kể. Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp luôn ở mức cao (3,80%) so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Sự chuyển dịch theo hướng tích cực đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp diễn ra còn chậm. Trong hai kỳ kế hoạch 2000-2005 và 2006-2010, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu; cơ cấu cây trồng và vật nuôi tuy có chuyển dịch nhưng không thay đổi đáng kể; ngành thủy sản phát triển chậm; cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, quy mô nhỏ. Trong yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh là tăng tỷ trọng chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt, nhưng đến nay chăn nuôi vẫn còn là ngành sản xuất phụ, chiếm tỷ trọng thấp trong giá trị gia tăng nông nghiệp. Nguyên nhân là do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi theo hướng hàng hóa mô hình trang trại còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, chưa theo quy hoạch và thiếu bền vững. Đơn cử như tình trạng tăng, giảm, phá vỡ quy hoạch của các loại cây trồng khi bị tác động của giá cả; sự đầu tư quá nhiều về phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây trồng chính như cà phê, lúa, ngô…khiến vùng nguyên liệu không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu xuất khẩu…, khiến hiệu quả kinh tế của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn thấp. Đến năm 2010, giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp mới đạt khoảng 38,3 triệu đồng/ha, giá trị gia tăng đạt khoảng 15 triệu đồng/ha.

Đứng trước thách thức đó, mới đây tỉnh đã quyết định đầu tư 58,5 tỷ đồng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ nay đến năm 2015. Cụ thể, hỗ trợ 30% lãi suất đối với chuyển đổi cây cà phê sang cây trồng khác (với mức vay tối đa là 20 triệu đồng/ha), chuyển đổi diện tích lúa vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển chăn nuôi ...(mức vay tối đa là 30 triệu đồng/ha). Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn 100% giá trị cây giống (nhưng không quá 6 triệu đồng/ ha), đối với các hộ còn lại hỗ trợ 50% giá trị cây giống (không quá 3 triệu đồng/ ha)... khi chuyển diện tích cà phê kém hiệu quả sang cây trồng khác. Tỉnh cũng có các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống mới, cải tạo đàn gia súc, hỗ trợ chăn nuôi, xúc tiến thương mại... Qua đó, sẽ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.