Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực làm giàu của ông chủ lò gạch

04:59, 18/05/2012

Nhiều năm làm tài xế xe ben, vợ bán tạp hóa nhỏ nhưng thu nhập của hai vợ chồng anh Phạm Đình Mừng, thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) vẫn không đủ trang trải trong đời sống sinh hoạt gia đình. Nhận thấy Krông Ana có tiềm năng sản xuất gạch, anh Mừng đã tìm tòi học hỏi từ bạn bè, sách báo, tivi… và đúc kết được nhiều kinh nghiệm về công trình xây dựng lò gạch cũng như kỹ thuật sản xuất với quyết tâm xây dựng một cơ sở sản xuất gạch cho riêng mình.

Anh Mừng tại cơ sở sản xuất gạch.
Anh Mừng tại cơ sở sản xuất gạch.

Năm 2007, anh Mừng mạnh dạn vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cộng với số vốn ít ỏi của gia đình để xây dựng cơ sở sản xuất gạch thủ công với đầy đủ thiết bị, máy móc. Trong năm đầu tiên, cơ sở sản xuất gạch của anh hoạt động khá thuận lợi về mọi mặt, giá gạch trên thị trường ổn định, mỗi tháng cơ sở của anh đã sản xuất và bán được khoảng 40 vạn gạch, sau khi trừ chi phí anh có thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do lò gạch được xây dựng theo kiểu thủ công truyền thống, tốn nhiều nhiên liệu, phụ thuộc vào thời tiết nên sản lượng không ổn định. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công để ứng dụng công nghệ sản xuất gạch Tuy-nel lò đứng nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm được nhân công mà hiệu quả cao hơn. Thời gian này, cơ sở sản xuất của anh Mừng lâm vào tình trạng khó khăn vì không đủ kinh phí ứng dụng công nghệ mới trong khi giá gạch lại giảm mạnh, sản xuất không có lợi nhuận nên chỉ hoạt động cầm chừng. Không nản lòng, anh Mừng quyết định bán bớt đất đai, vay mượn thêm để tập trung vốn vào xây dựng cơ sở sản xuất theo công nghệ mới và đến tháng 10-2008 với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi thành công, năng suất tăng, sản lượng ổn định, bình quân mỗi tháng cơ sở của anh  sản xuất trên 50 vạn gạch. Công nghệ sản xuất mới giảm được lao động nặng nhọc và tiết kiệm nhiên liệu, mức độ cơ giới hóa cao hơn nhiều so với lò thủ công truyền thống. Với giá gạch 500 đồng/viên như hiện nay, chủ yếu cung cấp cho các đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Krông Ana, các đại lý lớn ở TP.Buôn Ma Thuột và tỉnh Dak Nông, mỗi tháng gia đình anh thu nhập trên 50 triệu đồng. Hiện tại, anh Mừng sở hữu cơ sở sản xuất gạch rộng trên 1 ha, trong đó bao gồm 2 lò kiểu đứng, mỗi lò 2 cửa đốt, 1 máy múc, 1 xe ben và đầy đủ thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Anh đã tạo việc làm cho 20 nhân công với mức lương trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở sản xuất gạch này mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 600 triệu đồng.

Làm kinh tế giỏi, gia đình anh Mừng còn luôn chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, tiên phong trong các hoạt động từ thiện của các cấp ban ngành tổ chức, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh với bà con trong thôn. Gia đình anh đã được bình chọn là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và được Cục Thuế tỉnh tuyên dương, tặng giấy khen nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ đóng thuế.

Quốc Khánh


Ý kiến bạn đọc