Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp - không nên giao quyền tự quyết cho ngân hàng

05:02, 18/05/2012

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng: nếu việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN không được quy định một cách cụ thể, mà giao quyền quyết định cho các ngân hàng (NH) thương mại thì hiệu quả đem lại không thể như mong muốn…

Nghị quyết 13, ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giao NH Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cho DN, trong đó có việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Đây là một quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ DN vượt khó, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giao quyền tự quyết cho các NH thì những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng của DN sẽ khó được cải thiện. Còn nhớ, những tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012, không ít NH đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn mức thông thường 2%-3%/năm. Nghe thật hấp dẫn, nhưng kết quả là phần lớn DN không tiếp cận được nguồn vốn này vì điều kiện các NH đưa ra quá khắt khe: phải có tài sản thế chấp; hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định; tình hình tài chính lành mạnh, không có nợ quá hạn tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào… Rốt cuộc, DN phải hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động và khách hàng nên hiệu quả kinh doanh không cao. Mặt khác, cũng do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay NH và nộp thuế cho Nhà nước không bảo đảm nên rất dễ phát sinh nợ xấu, nợ đọng thuế. Từ đó, dẫn đến hệ quả tất yếu là phần lớn DN dễ dàng bị loại ra khỏi đối tượng được vay vốn ưu đãi. Công bằng mà nói, trong hoàn cảnh nợ xấu tiếp tục có chiều hướng tăng lên, NH dè dặt cho vay nhằm hạn chế rủi ro là điều dễ hiểu và là quyền của các NH. Tuy nhiên, nói điều này để thấy, nếu tiếp tục giao quyền quá lớn cho các NH thì mục tiêu tháo gỡ khó khăn về vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển khó có thể thực hiện được.

Tính đến tháng 4-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ đạt khoảng 31.112 tỷ đồng, giảm 1,5% so với tháng trước và hơn 2% so với đầu năm 2012. Con số này được dự báo là sẽ tiếp tục giảm nếu ngay bây giờ, cơ quan chức năng không đề ra những biện pháp phù hợp. Chính vì những lý do trên, nên chăng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm ban hành bộ tiêu chí quy định rõ ràng từng đối tượng khách hàng, lĩnh vực, ngành nghề được áp dụng các biện pháp cơ cấu lại nợ như cách làm đã từng áp dụng trong việc khoanh nợ cho nông dân sản xuất cà phê năm 2002. Mặt khác, về lâu dài, bên cạnh nguồn vốn tín dụng, Nhà nước cũng cần xem xét, sớm thành lập Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa ; triển khai mô hình cho vay tín chấp đối với DN siêu nhỏ (dưới 10 lao động) ; mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng sản phẩm… để giúp DN có thêm điều kiện về vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc