Multimedia Đọc Báo in

“Bắt mạch” doanh nghiệp thời gian khó

08:13, 05/06/2012

Kỳ cuối: “Phương thuốc” nào là cứu cánh của doanh nghiệp ?

Nói gì thì nói, tình trạng doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh khó khăn đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, rõ nhất là người lao động mất việc làm, ngân sách Nhà nước bị thất thu, nợ xấu ngân hàng (NH) gia tăng. Vấn đề làm thế nào để gỡ khó cho DN đang được xã hội đặc biệt quan tâm...

Một cuộc “đại phẫu”

Dưới cái nhìn biện chứng, ông Ngô Việt Hồng, Cục phó Cục Thuế tỉnh phân tích: Trong gian khó mới hiểu lòng người. Còn với DN, trong bối cảnh chung sản xuất kinh doanh nhiều rủi ro, thăng trầm như hiện nay, dù biết sẽ hao tâm tổn trí để nghiên cứu hoạch định, tìm hướng giải quyết nhưng dù sao đây cũng là dịp để DN được cọ xát và trưởng thành. Với xã hội, nếu nhìn nhận một cách lạc quan hơn, đó là cơ hội để sàng lọc những DN “yếu”, DN “khỏe” được khẳng định và thể hiện năng lực, đôi chân trụ vững của mình trên thương trường.

Viettinbank Dak Lak là một trong số ít doanh nghiệp chủ động giảm lãi hỗ trợ DN.
Viettinbank Dak Lak là một trong số ít doanh nghiệp chủ động giảm lãi hỗ trợ DN.

DN “gặp bão” trên thương trường, trong bối cảnh này, không còn là chuyện riêng của DN và nó đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét. Thứ nhất, về phía DN, cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá năng lực thực sự, để điều chỉnh quy mô sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thực tế. Câu chuyện của vị giám đốc không biết lượng sức mình, vội vàng hấp tấp trong đầu tư mở rộng sản xuất và gặp thất bại khiến chúng tôi nhớ đến những thông tin quý giá mà Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đinh Xuân Hà chia sẻ. Đó là khi đến làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, rất nhiều DN không biết sẽ phải thành lập, hoạt động theo loại hình DN nào: DN tư nhân hay Công ty TNHH... cho phù hợp với ngành nghề, năng lực tài chính, số lượng nhân lực của mình. Họ hiểu và đánh đồng tất cả, nghĩ rằng cứ thành lập, có “công ty” là được. Còn dưới góc độ quản lý Nhà nước, đây cũng là dịp để kiểm chứng, đánh giá hiệu quả, điều chỉnh lại những bất cập để xây dựng cơ chế chính sách cho sát, cho trúng, tạo điều kiện cho DN hoạt động. Với DN, vốn, lãi suất NH, thuế là những mối quan tâm hàng đầu. Theo đó từng động thái điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến DN. Minh chứng cụ thể, thời gian qua cộng đồng DN có nhiều ý kiến kiến nghị về việc tăng giá thuê đất theo Nghị định 121 của Chính phủ. Tăng giá là đúng nhưng qua thực tế triển khai, DN và cả ngành chức năng cho rằng cần phải có lộ trình phù hợp, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Theo Cục Thuế tỉnh, hiện con số nợ tiền thuê đất, chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột với khoảng 30 tỷ đồng. Không thể xoay xở nổi số tiền thuê đất phải nộp, rất nhiều đơn vị đã có văn bản xin trả bớt diện tích đất đang sử dụng. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này cũng không đơn giản bởi còn liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiến thiết và cả nhân công trên diện tích đất các đơn vị đã thuê để sản xuất kinh doanh từ trước đến nay. Một vấn đề khác hiện nay cũng khiến DN chưa mấy mặn mà dù mục đích nhằm để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, đó là chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN. Lý do đơn giản, họ cho rằng chính sách đó chưa mang tính thiết thực toàn diện khi DN làm ăn khó khăn, không phát sinh doanh thu, thậm chí là lỗ nặng, làm gì phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN mà miễn!

Những gói hỗ trợ

Việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển đã và đang là vấn đề được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm thực hiện. Rõ nét nhất là Chính phủ đã phải ban hành một nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường (Nghị quyết 13). Có thể nói rằng, Nghị quyết 13 đã sử dụng hết các biện pháp hỗ trợ có thể: gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT của tháng 4, 5, 6-2012; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN từ năm 2011 về trước mà chưa nộp vào ngân sách đối với phần lớn DN; gia hạn 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (trước đây chỉ giảm cho DN trong lĩnh vực sản xuất); chỉ đạo NHNH tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, Chính phủ còn báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề, như: giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với một số DN; miễn thuế khoán GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN năm 2012 đối với một số trường hợp.

Cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển. Những giải pháp đã và đang thực hiện chắc chắn là những liều thuốc quý cho DN vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là các gói giải pháp trên chỉ mang tính ngắn hạn, chưa tháo gỡ triệt để những khó khăn mà họ đã, đang và sẽ đối mặt trong quá trình hoạt động của mình. Vì thế, song song với việc thực hiện các giải pháp trên, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan nên nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau làm cản trở hoạt động của DN. Vấn đề quan trọng, cần được được ưu tiên tháo gỡ nhất đó là vốn. Có thể thấy rằng, thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng “đẩy” DN vào tình thế khó khăn. Vậy nên, chính sách tiền tệ và tín dụng cần được quan tâm thực hiện một cách kịp thời, có hiệu quả. DN đề nghị, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất một cách tích cực để giảm chi phí vốn cho DN. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, theo hướng rà soát, phân loại nợ, cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn đối với các DN có dự án đầu tư có tác động kinh tế - xã hội lớn, có phương án kinh doanh đạt hiệu quả, đặc biệt ưu tiên cho vay đối với các công trình dự án dở dang sắp hoàn thành để tránh lãng phí xã hội, tạo việc làm cho người lao động và tạo điều kiện để các DN có thể hoàn trả vốn vay NH. Ngoài ra, việc điều hành tỷ giá linh hoạt cũng rất quan trọng góp phần khuyến khích xuất khẩu, tiếp tục cơ chế cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu để hạ thấp chi phí vốn cho các DN này, duy trì sản xuất kinh doanh và giữ vững thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, để triển khai việc này cần có các biện pháp tổng thể, không chỉ liên quan đến mức lãi suất mà cả thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng, tạo nguồn vốn và bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng được vay. Đối với vấn đề thiếu vốn do chậm được thanh toán mà nguồn thanh toán là ngân sách Nhà nước thì cần xem xét, có cơ chế thanh toán bù trừ công nợ cho DN.

Bên cạnh việc điều chỉnh, triển khai thực hiện các giải pháp mang tính “bên ngoài” nêu trên, bản thân mỗi DN cũng phải tự nhìn nhận, đánh giá lại mình để tiến hành cơ cấu lại cho phù hợp. Vấn đề cần tập trung thực hiện hiện nay là năng suất lao động; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; năng lực quản trị… Đặc biệt, DN phải đa dạng hóa các nguồn vốn, tránh bị phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn NH; quan tâm phát triển những ngành nghề chính, không nên đầu tư dàn trải quá tầm kiểm soát.

DN phản ánh với VCCI rằng, hiện nay họ đang rất khó khăn, lớn nhất là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao (chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu và giá vốn cao) và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp (do sức mua giảm mạnh), lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động  sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, vận tải kho bãi… Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào cho DN, hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo niềm tin cho DN.

Lê Ngọc - Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.