Để việc hạ lãi suất vốn vay thực sự phát huy hiệu quả
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa hạ các mức lãi suất điều hành, đặc biệt là hạ trần lãi suất huy động từ 12%/năm xuống 11%/năm. Như vậy, chỉ chưa đầy 3 tháng, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất huy động từ 14%/năm về còn 11%/năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng (NH) giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp tục sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ hiện nay.
Giải phóng nhanh hàng tồn kho cũng rất quan trọng đối với DN hiện nay (ảnh minh họa). |
Trần lãi suất huy động giảm đồng nghĩa với việc 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ (tương đương với khoảng 90% lượng DN đang có quan hệ tín dụng với NH) sẽ được vay vốn với lãi suất tối đa 14%/năm theo quy định của Thông tư 14/2012/TT-NHNN. Mặc dù mức lãi suất cho vay đó chưa đạt kỳ vọng của những DN đang khó khăn, nhưng đây là sự hỗ trợ rất lớn cho DN trong bối cảnh hiện nay; đối với những khách hàng có dự án khả thi, tình hình tài chính lành mạnh vẫn có thể được NH xem xét cho vay với mức lãi suất 13%/năm, thậm chí là 12%/năm. Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù giảm lãi suất là cần thiết, song vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao cải thiện được khả năng tiếp cận tín dụng, hấp thụ vốn của DN. Bởi vì thời gian qua, tuy mặt bằng lãi suất giảm khá nhiều, một số NH đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất khá thấp, song 5 tháng đầu năm, tín dụng vẫn không tăng trưởng. Tính đến tháng 5-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khoảng 31.236 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và giảm 1,9% so với đầu năm. Ngoài lý do DN không muốn vay trong bối cảnh đầu ra sản xuất bị ứ đọng, hàng tồn kho tăng cao thì bản thân các NH cũng “căn ke” hơn do lo ngại rủi ro. Hiện nút thắt chung của nền kinh tế cũng như dòng vốn nằm ở nợ xấu đang ngày một gia tăng, nên dù có tiền NH vẫn không dám cho vay, dẫn đến DN thiếu vốn. Vì thế, lãi suất chỉ có ý nghĩa thực sự khi DN “với tay” được đến đồng vốn giá rẻ và không bị ám ảnh bởi khoản nợ đang tồn tại. Qua đó, nên chăng các NH mạnh dạn xóa, giãn hoặc giảm ngay lãi suất món vay cũ của khách hàng nhằm tạo điều kiện cho DN tính toán lại bài toán vay vốn. Và để làm được điều này, tất nhiên NH phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận, nhưng một mình NH không thể thực hiện được mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mặt khác, DN cũng đang rất cần giải pháp khơi thông đầu ra để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho. Bản thân DN sẽ khó làm được điều này nếu thiếu sự hỗ trợ từ các sở, ngành chức năng trong việc rà soát, phân loại DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ triền miên thì sẽ ngưng rót vốn mà dành số vốn đó hỗ trợ, cho các DN có phương án làm ăn tốt, bảo đảm được mức tăng trưởng, cùng với giải pháp khai thông kênh bán lẻ tại các khu chợ truyền thống, trung tâm mua bán nhỏ để hỗ trợ DN. Đồng thời, giúp DN làm đầu mối liên doanh, liên kết giữa các ngành hàng, địa phương trong khâu bao tiêu sản phẩm, tìm hướng ra cho hàng tồn kho… Có như vậy mới khơi thông bế tắc hiện nay cho DN lẫn NH để đồng vốn giá rẻ phát huy hiệu quả.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc