Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng măng tây

08:12, 05/06/2012

Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) và Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Dak Lak, anh Nguyễn Xuân Đại ở Tổ dân phố 7 phường Tân An đã mạnh dạn đầu tư trồng măng tây bước đầu cho hiệu quả cao.

Chị Chu Thị Thu, vợ anh Đại  đang thu hoạch măng tây.
Chị Chu Thị Thu, vợ anh Đại đang thu hoạch măng tây.

Gia đình anh Đại bắt đầu trồng măng tây từ tháng 11-2011. Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Dak Lak cung ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Cây măng tây thích hợp với đất xám, đất phù sa, đất đỏ và phát triển tốt trên đất tơi xốp, đất giàu dinh dưỡng. Trước khi trồng anh làm đất thật kỹ để hạn chế sâu bệnh và giúp cây phát triển tốt. Sau đó lên luống với kích thước: rộng 50-70cm, rãnh rộng 30-40cm, lòng rãnh đào thành từng hố vuông rộng 25-30cm, sâu 20-30cm, hố cách hố 40-50cm. Cho đất mặt vào trong hố trộn đều với phân bón rồi trồng cây. Sau khi trồng từ 15 đến 20 ngày cây bắt đầu đẻ nhánh. Sang tháng thứ 2 vun dần đất vào gốc cây và sau đó khoảng 1 tháng vun nốt số đất còn lại làm thành luống cố định cho măng. Mỗi gốc luôn duy trì 5 đến 6 cây mẹ để quang hợp. Từ năm thứ 2 trở đi cây cao từ 1,5 đến 1,7 m. Khi cây mẹ già thì cắt tỉa tận gốc. Mỗi gốc măng cho thu hoạch từ 5 đến 10 năm.  Sau 4 đến 5 tháng, chồi măng cao 25 đến 30cm là thu hoạch. Măng tây có giá từ 95.000 đến 130.000đồng/kg, là loại thực phẩm đặc sản ở các nhà hàng. Ngoài ra ngọn cây và cành cây được tỉa bán cho các cơ sở hoa tươi trang trí cũng tăng thêm thu nhập cho người trồng, đặc biệt là vào dịp lễ, tết.

Gia đình anh Đại thu hoạch lứa măng đầu tiên vào giữa tháng 3-2012. Với 1.000 gốc trên diện tích 500 m2, mỗi ngày anh thu từ 2 đến 3 kg, trừ chi phí anh có lãi từ 150.000đ đến 200.000đ/ngày. Như vậy mỗi tháng anh có thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng.

Hiện nay gia đình anh đang chuẩn bị 1.000 m2 đất để trồng 2.000 cây măng tây. Cuối năm nay anh sẽ có thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế mới được áp dụng ở Dak Lak. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và phát triển tốt trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Thanh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.