Multimedia Đọc Báo in

Kỹ thuật chăm sóc cây tiêu mùa mưa

07:38, 26/06/2012

Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với hơn 6.000 ha, mang lại thu nhập ổn định cho nông hộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, do thời tiết thay đổi thất thường cộng với dịch bệnh tấn công, trong khi người trồng tiêu chưa biết cách chăm sóc và phòng trừ hợp lý đã làm giảm năng suất, thậm chí một số nơi diện tích trồng tiêu bị thu hẹp. Vì vậy, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu trong mùa mưa là rất quan trọng.

Những năm gần đây xuất hiện bệnh chết nhanh ở cây tiêu do loại nấm Phytophthora capsici gây ra. Loại nấm này tiềm ẩn ở môi trường đất, nước, tàn dư cây trồng, cỏ và phát triển rất nhanh trong điều kiện mùa mưa, ánh sáng yếu. Bào tử nấm gây hại cho cây bắt đầu từ rễ rồi lan truyền lên thân, cành làm cây héo rũ, chết yểu. Chính vì thế, Người trồng phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi cây tiêu để phòng trừ bệnh kịp thời.

Nông dân  xã  Cư Kpô (Krông Buk) trao đổi  kỹ thuật  chăm sóc  cây tiêu trong mùa mưa.
Nông dân xã Cư Kpô (Krông Buk) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây tiêu trong mùa mưa.

Để hạn chế sâu bệnh, theo các nhà khoa học, người trồng tiêu cần chủ động các biện pháp phòng là chính, nhất là trong mùa mưa. Trước tiên cần tạo hệ thống rãnh nước để thoát nước kịp thời khi mưa lớn, không để nước đọng trong vườn, nhất là ở gốc tiêu. Đối với những hộ trồng tiêu trên vùng đất thoai thoải thì không cần làm hệ thống rãnh thoát nước nhưng cần theo dõi, tránh ngập úng sau những cơn mưa lớn. Bà con cũng cần dọn sạch cỏ và những tàn dư thực vật trên vườn, cắt tỉa những cành lươn để cây tập trung nuôi nhánh ngang là nhánh cho trái sau này. Song song đó cần cắt tỉa những nhánh mọc sát gốc và cả những nhánh có sâu, bệnh, chết héo để cung cấp đủ ánh sáng cho tiêu phát triển, góp phần tạo sự thông thoáng, giảm ẩm độ trong vườn cây, hạn chế sức cản để cây không bị đổ ngã trong mùa mưa bão. Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên cán bộ Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, dưới gốc cây tiêu được làm thoáng ít nhất 30 cm để nắng rọi vào, tiêu diệt mầm bệnh, tránh hiện tượng ẩm trong đất tạo điều kiện cho dịch bệnh sinh sôi. Mùa mưa cũng là thời điểm cây ra hoa và chắc hạt nên bên cạnh việc phòng trừ bệnh hại cần chú ý chế độ bón phân phù hợp để cây tiêu sinh trưởng mạnh, có sức đề kháng cao, ổn định năng suất. Nên kết hợp bón NPK và phân hữu cơ vi sinh để cung cấp thêm các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt, magiê, mangan… cho cây trồng. Đồng thời bổ sung các loại phân bón lá nhằm kích thích quang hợp, ra hoa, đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả do cạnh tranh dinh dưỡng. Việc sử dụng các loại phân hữu cơ không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn cải tạo đất và tạo sự cân bằng giữa các loại vi sinh vật trong đất. Đây là cách phòng bệnh tốt nhất cho cây trồng, trong đó có cây tiêu.

Không chỉ nắm vững các yếu tố kỹ thuật, quy trình chăm sóc mà cần lựa chọn vùng đất thích hợp, đủ nước tưới trong mùa nắng và có thể thoát nước tốt trong mùa mưa để vườn cây không bị bệnh và cho năng suất cao.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc