Nguyên nhân các HTX có quy mô tài sản và tài chính yếu kém: Do khó tiếp cận nguồn vốn vay
Đó là đánh giá chung của Liên minh HTX Dak Lak trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác Văn phòng Trung ương Đảng với Thường trực Tỉnh ủy Dak Lak cùng các sở, ban, ngành liên quan về kết quả 10 năm thực hiện kinh tế tập thể theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) diễn ra trong ngày 13-6 vừa qua.
Cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường |
Tại buổi làm việc, Liên minh HTX Dak Lak cho biết: đến nay Dak Lak có 5.046 tổ hợp tác, 319 hợp tác xã (HTX) và 1 Liên hiệp HTX, thu hút 65.252 xã viên tham gia và gián tiếp giải quyết công ăn, việc làm cho gần 75.000 lao động ở địa phương.Tiền lương của người lao động tại các HTX phi nông nghiệp bình quân từ 1,7-2,2 triệu đồng/người/tháng; HTX nông nghiệp khoảng 870.000 đồng/người/tháng và Quỹ tín dụng nhân dân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, khối kinh tế này đã đóng góp khoảng 12% vào GDP của tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, phần lớn các HTX có quy mô tài sản, tài chính yếu kém vì khả năng góp vốn của các thành viên rất thấp. Đặc biệt là trong khu vực nông nghiệp, có nhiều xã viên chỉ góp vốn từ 50.000-200.000 đồng/người và vốn điều lệ hoạt động của các HTX này không quá 1 tỷ đồng. Chưa kể, các HTX nông nghiệp không có trụ sở giao dịch, tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng, nên dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự gặp khó khăn, quy mô, năng lực bị thu hẹp, hoặc phá sản.
Tại buổi làm việc nói trên, một số cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho khu vực kinh tế tập thể được đưa ra bàn thảo, mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau. Ông Nguyễn Thiên Văn-Phó chủ tịch Liên minh HTX Dak Lak trình bày: Về chính sách tài chính, tín dụng thì trong 10 năm qua (2002-2012), các HTX đều được tiếp sức từ các nguồn quỹ, chương trình mục tiêu quốc gia như Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Dak Lak; việc làm; đầu tư phát triển của tỉnh; hỗ trợ xuất khẩu; chương trình kích cầu kinh tế của Chính phủ…, với tổng số tiền 27,3 tỷ đồng, nhưng số tiền này là quá ít ỏi so với nhu cầu của các HTX. Ngoài nguồn quỹ trên, hầu hết các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng nên không phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội từ khối kinh tế này. Về chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ, trong thời gian qua tỉnh cũng đã bố trí một phần kinh phí từ Chương trình khuyến công để hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho hơn 500 lao động, đổi mới công nghệ sản xuất cho 6 HTX, với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Song, việc hỗ trợ này cũng không thường xuyên, do không có kinh phí.
Sau khi lắng nghe những phản ánh trên, ông Trần Xuân Châu-đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá: Việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại đối với các HTX hiện nay thật sự khó khăn, nhưng không phải là không vay được một khi HTX đáp ứng đầy đủ các quy định. Ông Châu cho rằng, con số 60 tỷ đồng mà các HTX ở Dak Lak vay được từ các ngân hàng thương mại trong 10 năm là quá ít, nếu không nói là không bình thường trong thực hiện các chính sách ưu đãi (trong đó có tài chính, tín dụng) của Chính phủ dành cho khối kinh tế này. Vì theo ông Châu, thời gian qua, mỗi năm số dư nợ của các ngân hàng thương mại dành cho khối kinh tế tập thể là không nhỏ (khoảng 100 triệu USD), vậy tại sao ở Dak Lak, các HTX lại gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn này? Từ đó ông kiến nghị: nếu ngân hàng nào gây khó dễ cho HTX thì các cấp thẩm quyền ở địa phương nên có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước để được can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Ông Nguyễn Minh Tuấn - đại diện Liên minh HTX Trung ương cũng có ý kiến: Nhà nước nên có biện pháp hậu kiểm đối với các ngân hàng thương mại về chính sách tín dụng dành cho khối kinh tế tập thể nhằm giúp họ giải quyết khó khăn về tài chính, nhất là đối với các HTX có phương án sản xuất, kinh doanh năng động, bền vững.
Ông Bùi Văn Thạch-Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng đoàn công tác của Trung ương cũng góp ý với Thường trực Tỉnh ủy Dak Lak về một số cơ chế, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng đến chính sách thu hút người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, người lao động có tay nghề cao về làm việc trong các HTX. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần xây dựng chương trình cụ thể hỗ trợ khoa học-công nghệ, xúc tiến thương mại giúp các HTX dần xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù, mở rộng thị trường… góp phần tạo ra sự thay đổi toàn diện cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn ở Dak Lak.
Đồng chí Cao Đức Khiêm - Phó bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận các ý kiến trên, đồng thời đề nghị Trung ương đẩy mạnh chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế gay gắt như hiện nay. Trong đó, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh và bổ sung Quyết định 80/2002/QĐ của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản, hàng hóa thông qua hợp đồng và sự liên kết bốn nhà một cách phù hợp. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại ở Dak Lak tăng cường, bổ sung thêm số dư nợ (nhất là dư nợ trung và dài hạn) cho các HTX vay để phát triển quy mô sản xuất-kinh doanh của mình…
Được biết, thông qua buổi làm việc trên, Đoàn công tác của Văn phòng Trung ương Đảng sẽ nghiên cứu, tập hợp đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế tập thể của Dak Lak nói riêng, cả nước nói chung để báo cáo Ban bí thư Trung ương Đảng, phục vụ cho Hội nghị tổng kết, đánh giá 10 năm (2002-2012) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể trên địa bàn cả nước.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc