Multimedia Đọc Báo in

Nông sản Dak Lak vào siêu thị: Nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng đều có lợi

08:14, 05/06/2012

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều hàng nông sản của địa phương được đưa vào bày bán tại hệ thống siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nhà sản xuất và nhà phân phối.

Trồng rau tại HTX rau an toàn Toàn Thịnh.
Trồng rau tại HTX rau an toàn Toàn Thịnh.

Trên các kệ hàng ở siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột hiện nay, người tiêu dùng (NTD) dễ dàng nhận thấy không thiếu những sản phẩm hàng hóa, nhất là các loại hàng nông sản rau, củ quả sản xuất trong tỉnh được bày bán. Ở gian hàng thực phẩm tươi sống, ngày càng thưa dần các sản phẩm cùng loại của Đà Lạt, thay vào đó là nhiều loại rau an toàn của hợp tác xã (HTX) Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar), HTX Thuận Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột). Từ các loại rau ăn lá như xà lách, cải ngọt, rau muống; rau gia vị như hành, ngò, húng, quế; đến các loại củ quả như dưa leo, mướp đắng, su hào, cà  rốt… đều có mặt. Bên cạnh đó, các loại thịt gia súc, gia cầm như heo, gà, vịt do nông dân Dak Lak tự chăn nuôi cũng được bày bán trên các quầy siêu thị. Tại gian hàng thực phẩm khô, các sản phẩm có uy tín của địa phương như cà phê Trung Nguyên, rượu cần Y Miên, bánh mì tươi Thành Phát… cũng có mặt bên cạnh các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu của các tỉnh, thành khác. Đại diện Co.opMart cho biết: không chỉ những thương hiệu nổi tiếng ngoại tỉnh mới thu hút NTD mà những sản phẩm địa phương sản xuất cũng được nhiều người quan tâm. Tính đến nay, Co.opMart Buôn Ma Thuột đã bày bán trên 20 sản phẩm “made in Dak Lak”, trong đó có nhiều loại đặc sản của địa phương như cà phê Trung Nguyên, rượu cần Y Miên cùng các loại rau sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn bán khá chạy.

Siêu thị là kênh phân phối lẻ nhưng sức tiêu thụ khá mạnh khiến sản phẩm địa phương được nhiều người biết đến. Sản phẩm “made in Dak Lak” đưa vào tiêu thụ tại siêu thị đã giúp nông dân tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá thành hợp lý, mặt khác sản phẩm được trồng, sản xuất và tiêu thụ ngay tại địa phương sẽ khiến thực phẩm trở nên tươi, ngon hơn, bởi không cần bảo quản lâu. Do đó, việc ngày càng có nhiều sản phẩm, nông sản của địa phương đưa vào siêu thị là một tín hiệu đáng mừng cho người sản xuất địa phương lẫn nhà phân phối; riêng nhà sản xuất sẽ dễ dàng tiếp cận được NTD thông qua kênh bán lẻ này để từ đó những cái tên như rau an toàn Toàn Thịnh, Thuận Hòa trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với NTD. Tuy nhiên, để thương hiệu sản phẩm tồn tại được trên các kệ hàng ở siêu thị, tạo niềm tin và uy tín với khách hàng thì bản thân người sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học mà siêu thị đưa ra. Cũng từ yêu cầu đặt ra từ phía siêu thị, người nông dân tại các HTX, các huyện trong tỉnh đã chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất rau và thực phẩm an toàn, cung cấp ra thị trường sản phẩm gia súc, gia cầm sạch. Theo ông Lê Hòa, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Toàn Thịnh: cuối năm 2008, Co.opMart Buôn Ma Thuột đã ký hợp đồng liên kết mua sản phẩm với HTX. Mặc dù yêu cầu đặt ra cho sản phẩm có khắt khe hơn so với tập quán gieo trồng, chăm sóc rau của người dân địa phương nhưng các xã viên HTX luôn tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm chất lượng sản phẩm như đã cam kết. Việc làm này không những cung ứng cho NTD nguồn rau sạch, mà còn nâng cao uy tín, tạo thương hiệu riêng cho rau Toàn Thịnh, từ đó góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Hiện HTX có 37 hộ tham gia trồng rau với diện tích 3 ha, trung bình một ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau, với giá bán tại siêu thị thường cao hơn 20-30% so với giá bán lẻ tại các chợ. Đồng hành với bà con trong những năm qua, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh đã đầu tư hệ thống tưới phun sương, hỗ trợ vốn, mở nhiều lớp tập huấn phổ biến kiến thức trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh để các xã viên có thêm kiến thức, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, mỗi năm HTX cho ra thị trường hàng trăm tấn rau mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Rõ ràng, khi sản phẩm hàng hóa của địa phương, nhất là nông sản được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị sẽ có thêm cơ hội để nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu và quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất. Về phía người nông dân, sẽ hạn chế  đáng kể tình trạng mạnh ai nấy làm, đầu ra sản phẩm và giá cả bấp bênh như trước đây. Tuy nhiên, khi vào siêu thị, hàng hóa địa phương lại gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm ngoại tỉnh đã có sẵn uy tín trên thị trường. Do đó, để có đầu ra ổn định, về lâu dài, các nhà sản xuất địa phương phải không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, từ việc hoàn thiện quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã đến tiêu thụ ra thị trường, bảo đảm mang lại những nông sản tiện ích và an toàn cho người sử dụng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.