Ổn định dân di cư tự do - thách thức lớn trong xây dựng nông thôn mới
Trong khi ổn định quy hoạch là một yêu cầu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới thì tình trạng dân di cư tự do liên tục đến tỉnh ta những năm qua đã phá vỡ mọi quy hoạch khu dân cư, trở thành một thách thức không nhỏ trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân di cư tự do là vấn đề rất nan giải. |
Thôn 12, xã Vụ Bổn (Krông Pak) hiện có hơn 200 hộ với gần 1.000 khẩu người Mông di cư tự do vào từ trước năm 1990 đến nay vẫn chưa được bố trí ổn định thành khu dân cư. 100% số hộ này đều chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú. Cuộc sống của đồng bào rất khó khăn vì thiếu thốn nhiều thứ. Thế mà tại đây qua mỗi năm số người Mông di cư đến vẫn ngày một tăng và chưa biết sẽ dừng lại ở con số nào. Theo ông Lê Viết Nhượng, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết, nếu quy hoạch khu dân cư cho dân di cư tự do nơi này cần phải có hơn 10 ha đất và một nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, nước và đường giao thông... Tuy nhiên, cũng vì thiếu nguồn lực mà đã hơn 10 năm nay địa phương không thể thực hiện quy hoạch nơi này thành khu dân cư. Song ông Nhượng cũng cho rằng, dù có quy hoạch xong thì với số lượng dân di cư đến cứ tăng như hiện nay thì địa phương vẫn sẽ phải tiếp tục giải những bài toán về quy hoạch mới.
Sức ép về quy hoạch khu dân cư cho dân di cư tự do thể hiện rõ nhất là ở xã Cư Pui (Krông Bông). Năm 1998, thôn Ea Lang được thành lập với khoảng 100 hộ dân di cư tự do, nhưng chỉ hơn 10 năm, con số này đã tăng thành hơn 500 hộ. Thế là huyện Krông Bông phải đề nghị tách thôn Ea Lang thành 4 thôn thuộc xã Cư Pui, bao gồm: thôn Ea Lang với trên 100 hộ, thôn Cư Tê 110 hộ, thôn Ea Uôl 270 hộ và thôn Cư Rang gần 100 hộ. Song, do làn sóng di cư tự do vẫn cứ ồ ạt vào nơi này, năm 2012 huyện Krông Bông lại phải tiếp tục kiến nghị thành lập xã mới! Theo ông Y Luyn Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui, quy hoạch khu dân cư liên tục bị phá vỡ khi năm nào cũng có hàng chục hộ di cư đến làm nhà tạm ở và sinh con đẻ cháu một cách thoải mái.
Còn tại huyện Ea Súp, để giải quyết tình trạng dân di cư tự do phá vỡ các quy hoạch về các khu định canh định cư, từ năm 2009 đến nay, huyện đã phải chuyển đổi hơn 40 ha rừng thành đất ở, đất sản xuất và thành lập thôn 15 tại xã Cư Kbang để đưa khoảng 500 hộ với khoảng 3.900 khẩu vào khu định canh định cư. Mỗi hộ dân về đây được cấp đất 800m2- 1.000m2 đất thổ cư, 4.000m2 đất sản xuất cùng 2 triệu đồng hỗ trợ ban đầu. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cũng thừa nhận, tình trạng di cư tự do đến vẫn tiếp diễn mỗi ngày một đông hơn khiến nỗ lực để tạo điều kiện cho những hộ di cư tự do có cuộc sống ổn định đối với địa phương hết sức nặng nề.
Có thể nói, sức ép về tình trạng dân di cư tự do ồ ạt đã và đang phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đến năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 dự án bố trí sắp xếp ổn định cho gần 5.400 hộ dân di cư tự do với khoảng 28.000 khẩu, kinh phí thực hiện trên 3.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, như vậy cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ổn định của khoảng 30% số hộ di cư tự do vào tỉnh ta mà thôi. Hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 6.400 hộ với 30.800 khẩu chưa được bố trí sắp xếp ổn định. Thế mà từ đầu năm 2012 đến nay, đã có gần 400 hộ với hơn 1.760 khẩu tiếp tục di cư vào 4 huyện là Ea Súp, Ea Kar, Krông Bông và Lak. Bà Bùi Thị Kim Nga, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: nếu quy hoạch cho đồng bào di cư tự do của tỉnh cần phải có hàng nghìn ha đất và nhiều nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng dân di cư tự do vẫn cứ ồ ạt đổ vào, thách thức công tác quy hoạch ổn định khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy việc ổn định đời sống cho dân di cư tự do là rất phức tạp vì hễ cứ quy hoạch thì số lượng dân di cư mới lại đến, làm đảo lộn các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, mù chữ, và kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về xã hội. Cũng theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đến nay mới chỉ có khoảng 40% số người Mông di cư tự do vào tỉnh được đăng ký hộ khẩu thường trú.
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc