Sau 3 năm thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp: Từng bước giúp nông dân tiếp cận với nông nghiệp hàng hóa
Từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của những sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tổ chức lại nhóm sản xuất... là những kết quả đang định hình sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Dak Lak.
Đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Dak Lak có khoảng 571.630 ha đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, với 264.000 hộ sản xuất, sản lượng phụ phẩm ước đạt 660.000 tấn (bình quân 1 ha có 2,5 tấn phụ, phế phẩm). Tập quán lâu nay của bà con nông dân ở hầu hết các địa phương trong tỉnh về sử dụng nguồn phế thải nông nghiệp như vỏ cà phê, cùi ngô, rơm rạ, trấu là đốt bỏ hoặc đổ trực tiếp ra vườn mà không qua xử lý, không chỉ là mang mầm sâu bệnh hại cho vụ sau, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Với mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phụ, phế phẩm nông nghiệp ở qui mô hộ gia đình được triển khai tại xã Cư Ni, thị trấn Ea Kar (Ea Kar) với tổng kinh phí trên 448 triệu đồng vừa mang lại hiệu quả về kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh cho cây trồng nhưng thường chỉ sử dụng phân bón hóa học khiến cho đất canh tác ngày càng bị chai cứng, vi sinh vật đất bị suy thoái, rất cần bón phân hữu cơ để lấy lại cân bằng cho đất. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ đã góp phần cải thiện độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng.
Sản phẩm bơ Dakado đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. |
Tuy không chuyên canh về cây rau, nhưng diện tích trồng rau của Dak Lak tăng đều hàng năm, với tốc độ tăng trưởng diện tích bình quân 5,71%, sản lượng 4,59%, lượng rau tiêu thụ đạt 66,5 kg/người/năm, đáp ứng 65 – 70% nhu cầu thị trường, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư. Đa số diện tích rau trên địa bàn tỉnh được trồng theo phương thức canh tác cổ truyền nhằm tận dụng nguồn lao động phụ, giải quyết việc làm, chi phí ít, đã khiến giá thành sản phẩm thấp, chất lượng không bảo đảm. Sự hỗ trợ của dự án thực hiện mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại phường Khánh Xuân (TP.Buôn Ma Thuột) đã giúp người trồng rau thay đổi hình thức canh tác lạc hậu, quá lạm dụng thuốc trừ sâu, chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Những ưu điểm của việc trồng rau trong nhà lưới là trồng được nhiều loại rau như tần ô, ngò rí…; giúp chủ vườn tăng được số vòng quay thời vụ cho loại rau ăn lá; đồng thời do trồng được cả mùa mưa mà chất lượng rau vẫn bảo đảm, thậm chí năng suất mùa mưa cao hơn so với trồng ngoài đồng ruộng. Mặt khác, phương pháp này còn giúp ngăn ngừa được côn trùng phá hoại, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 2-2011 đến tháng 3-2012, sau khi so với mô hình đối chứng, cho thấy sâu bệnh về nấm đã giảm rõ rệt; tiết kiệm được 10-20% lượng phân bón; 18-20 công tưới nước; giảm 50% lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật; nhưng hiệu quả kinh tế tăng 20%.
Qua hơn 3 năm tiến hành các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến với 11 mô hình: sản xuất rau trong nhà lưới; ghép chồi cà phê; ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ chức năng để phòng ngừa sâu bệnh hại rễ cà phê; quy trình tưới nước tiết kiệm cho cà phê; quy trình chăn nuôi vỗ béo bò… đã góp phần giúp các hộ nông dân vùng dự án nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm tính bền vững về môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, các hộ nông dân có thể nâng cao năng suất sản lượng từ 10 đến 15%; giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trên 20%; chất lượng sản phẩm được nâng cao, từ đó giá trị sản phẩm mang lại tăng từ 5-10%.
Doanh nghiệp và nông dân đều có lợi
Mặc dù cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhưng hiện nay phần lớn hình thức canh tác vẫn còn manh mún; kỹ thuật canh tác lạc hậu, khâu chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhiều bất cập nên chất lượng cà phê chưa cao. Việc hỗ trợ thành lập các LMSX cà phê mà Dự án đã tập trung triển khai trong những năm qua chính là nhằm mục đích góp phần từng bước cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng bền vững. Có thể thấy rõ hiệu quả ở LMSX cà phê bền vững xã Cư Êbua, TP. Buôn Ma Thuột giữa 180 hộ nông dân trồng cà phê với Công ty TNHH Một thành viên XNK cà phê 2-9, đã tạo ra một vùng nguyên liệu cà phê ổn định, đáp ứng yêu cầu chất lượng và được cấp chứng nhận Utz Certified. Nông dân tham gia liên minh được tập huấn kỹ thuật canh tác tốt (GAP) theo tiêu chuẩn Utz Certified, được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, sân phơi, máy sấy… còn doanh nghiệp sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao. Chính LMSX đã trở thành một trong những cách làm tăng giá trị của cà phê, tăng lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp. Kế đến là sản phẩm bơ sáp Dak Lak với thương hiệu DAKADO hiện rất được ưa chuộng trên thị trường và có giá trị xuất khẩu cao. Với sự hỗ trợ của Dự án, LMSX bơ DAKADO đã được hình thành với sự liên kết, hợp tác giữa Công ty TNHH Thu Nhơn và 100 hộ nông dân ở Cư M’gar (trong đó có 30% hộ đồng bào Êđê) tạo tương tác về lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và người trồng bơ; nguồn nguyên liệu bơ trái ổn định, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Quang Thụ, Phó Giám đốc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh cho biết: Từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 13 liên minh sản xuất (LMSX), với 2.099 hộ nông dân cùng với 11 tổ chức doanh nghiệp và 2 hợp tác xã tham gia, trong đó có 704 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các LMSX hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực: sản xuất cà phê, ca cao, bơ, lúa, bông vải, chăn nuôi bò thịt… chất lượng. Tổng kinh phí tài trợ của Dự án trên 27 tỷ đồng. Các LMSX đi vào hoạt động đã có tác động tốt đến các hộ nông dân quanh vùng dự án. Có thể thấy rõ điều này qua những con số định lượng: doanh nghiệp thu mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn từ 1 đến 5% so với sản phẩm cùng loại bán ngoài thị trường. Lượng nông sản của nông dân bán cho doanh nghiệp đạt từ 65 đến 75%, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trung bình 20% và của nông dân là 28%. Tuy trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn gặp nhiều vướng mắc nhưng được các ngành, địa phương từng bước tháo gỡ, đến nay sau hơn 3 năm triển khai, các hợp phần cơ bản đã đi vào hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra, từng bước giúp người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc