Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế trang trại: Tồn tại từ cơ chế, chính sách
Với lợi thế quỹ đất còn dồi dào, người nông dân ở Dak Lak có điều kiện tích tụ ruộng đất để làm kinh tế trang trại (KTTT). Và hàng năm mô hình kinh tế quan trọng này đã tạo ra khối lượng hàng hóa khá lớn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản và dịch vụ...… làm thay đổi bộ mặt đời sống ở nông thôn. Tuy nhiên, để KTTT Dak Lak phát triển mạnh mẽ hơn, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại từ cơ chế, chính sách dành cho mô hình kinh tế trên.
Chưa xứng với tiềm năng
Theo thống kê mới nhất của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT): trên địa bàn Dak Lak có khoảng gần 2.000 trang trại với tổng diện tích đất được bố trí sản xuất, kinh doanh hơn 10.100 ha. Trong đó số trang trại trồng trọt nông nghiệp chiếm phần lớn (1.131 trang trại), kế tiếp là trang trại chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp (539 trang trại), và ít nhất là lâm nghiệp (31 trang trại). Theo đánh giá của Sở NN-PTNT: mặc dù số lượng trang trại ở tỉnh ta tương đối nhiều (so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên), nhưng thật sự chưa mạnh, do giá trị sản lượng hàng hóa và thu nhập từ các trang trại mang lại chưa cao. Số liệu điều tra mới đây của Chi cục phát triển nông thôn cho thấy: trong số 1.703 trang trại được khảo sát, cập nhật (không tính 7 trang trại chưa báo cáo doanh thu do mới thành lập và 21 trang trại lâm nghiệp, trồng rừng chưa có doanh thu) thì tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ làm ra chỉ đạt hơn 845 tỷ đồng, chia bình quân chưa tới 500 triệu đồng/trang trại/năm (số liệu năm 2011). Còn tổng thu nhập chỉ ở con số hơn 269 tỷ đồng, bình quân gần 158 triệu đồng/ trang trại. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, đây là con số khá thấp, nếu xét về hiệu quả khai thác, sản xuất trên đơn vị diện tích đất, mặt nước được sử dụng.
Các trang trại trồng xoài (cũng như các loại cây trái) nói chung ở Buôn Đôn, Ea Súp... đều chưa phát huy hiệu quả do tính liên kết giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Ảnh: P.V |
Qua khảo sát, điều tra ở 1.703 trang trại nói trên, thì mức thu nhập cụ thể của nhóm trang trại trồng trọt nông nghiệp còn thấp hơn nữa: chỉ đạt từ 93,48 đến 153,2 triệu đồng/trang trại. Trong khi đó nhóm trang trại này chiếm hơn 80% tổng số trang trại hiện có của tỉnh. Từ đó cho thấy “nội lực” của khối kinh tế này chưa mạnh, hiệu quả xã hội mang lại chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có. Để vực dậy khối kinh tế này, ông Võ Thuận - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng: cần quy hoạch lại hệ thống, mô hình trang trại, nhất là các trang trại trồng trọt nông nghiệp, không để tồn tại tình trạng tự phát với quy mô nhỏ lẻ, manh mún hiện nay; tập trung chú trọng nâng cao trình độ quản lý của các chủ trang trại và tay nghề của người lao động từ cơ sở. Qua đó hình thành phương thức sản xuất, kinh doanh đa dạng và phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng sức cạnh tranh trong từng nhóm hàng, ngành hàng được tạo ra từ các mô hình trang trại. Đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt và kịp thời cho khối kinh tế này.
Đáp ứng mong đợi...
Theo Sở NN - PTNT vấn đề nổi lên hiện nay là việc rà soát quỹ đất, xác minh nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các trang trại còn quá chậm. Đến nay, diện tích đất của các trang trại được cấp sổ đỏ mới gần 7.400 ha, chiếm tỷ lệ hơn 58,8%. Việc cấp giấy chứng nhận trang trại cũng trong tình trạng tương tự, mới có gần 500/1.731 trang trại (mới khảo sát) được công nhận. Sự chậm trễ đó đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các trang chủ như: không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như chính sách hỗ trợ về đào tạo quản lý, nguồn nhân lực, quản trị kinh doanh, xúc tiến thương mại và chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Về chính sách vay vốn, hầu hết các trang trại đều gặp khó khăn do lượng vốn vay của các ngân hàng còn thấp so với nhu cầu. Ông Võ Thuận cho biết thêm, theo Nghị định 41/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn: một trang trại khi được cấp giấy chứng nhận sẽ được vay 500 triệu đồng/lượt để phục vụ sản xuất, kinh doanh… Song, trên thực tế con số này chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu, còn lại chủ trang trại tự xoay xở. Điều đó đã khiến năng lực, quy mô sản xuất của các trang trại không thể mở rộng, phát triển. Ông Lê Hữu Luyện - chủ trang trại kinh doanh tổng hợp ở Ea Kar cho hay: đã hơn ba năm qua, kể từ khi trang trại của ông được cấp giấy chứng nhận và được cấp sổ đỏ (hơn 7,3 ha), chưa bao giờ ông vay được ngân hàng một đồng nào, kể cả nguồn vốn vay theo Nghị định 41. Hơn thế, thủ tục vay vốn hết sức phức tạp, thời gian giải ngân chậm, tỷ lệ vốn cho vay thấp hơn rất nhiều so với giá trị tài sản thế chấp, vì vậy ông Luyện cũng như nhiều người khác trên địa bàn Ea Kar đều tỏ ra không quan tâm đến nguồn tín dụng này. Bên cạnh đó, chính sách tiêu thụ nông sản, công tác khuyến nông, khuyến lâm… cũng chưa theo sát và gắn kết với thực tiễn và yêu cầu đặt ra, nên đã hạn chế rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối kinh tế trang trại.
Ông Vũ Văn Đông - Phó giám đốc Sở NN-PTNT phụ trách kinh tế trang trại và HTX cho rằng: Trước mắt cần phải nhanh chóng thực hiện một số bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho KTTT phát triển một cách mạnh mẽ hơn như đẩy mạnh việc rà soát và cấp sổ đỏ cho các trang trại để họ yên tâm đầu tư sản xuất; cho các chủ trang trại thuê đất với giá ưu đãi theo khung giá thấp nhất của địa phương; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển KTTT ở các địa phương; và quan trọng nhất là phải cụ thể hóa chính sách khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để mở rộng qui mô, năng lực sản xuất, kinh doanh…cho người nông dân. Đặc biệt là hệ thống chi nhánh Ngân hàng thương mại, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần tăng cường bổ sung thêm số dư nợ cho các chủ trang trại khi tiếp cận vốn vay (trung và dài hạn). Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân một cách có trách nhiệm hơn. Tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn với các trang trại, nhằm hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn toàn vùng theo hướng ổn định, rộng khắp trong cả nước. Một khi cơ chế, chính sách của tỉnh kịp thời đưa ra để giải quyết rốt ráo những vấn đề trên, thì chắc chắn KTTT ở đây sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế địa phương, góp phần tăng số hộ giàu ở nông thôn, tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại chỗ. Và quan trọng hơn là sẽ tạo động lực tích cực, thiết thực cho mục tiêu xây dựng đời sống nông thôn mới trên địa bàn Dak Lak.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc