Thêm cơ hội cho cây ca cao Dak Lak phát triển
Mới đây Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này đã ký kết với Bộ NN-PTNT Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam trị giá gần 1,4 triệu EURO. Dak Lak là địa phương đầu tiên được chọn để triển khai dự án, đây là cú hích quan trọng cho ngành ca cao địa phương phát triển.
Diện tích ca cao tăng nhanh
Cây ca cao đã được du nhập và trồng thử tại Dak Lak từ rất sớm (những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX) nhưng chưa được chú ý nhân rộng. Đến năm 1993, khi Bộ NN-PTNT có chủ trương phát triển diện tích ca cao và xem đây là loại cây có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên thì ca cao mới bắt đầu nhận được sự quan tâm, nghiên cứu. Từ năm 1997 đến nay, Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các dự án phát triển nông nghiệp như Danida, GTZ và Trường Đại học Tây Nguyên, Trung tâm khuyến nông đã triển khai khá nhiều mô hình trồng và chăm sóc cây ca cao, qua đó góp phần đáng kể hình thành nền tảng cho việc phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh. Năm 2002, UBND tỉnh có quyết định số 821/QĐ-UB về phê duyệt dự án quy hoạch vùng phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 6000 ha, tập trung tại các huyện Ea Kar, M’Drak, Krông Bông, Lak, Krông Năng và Ea H’leo.
Tham quan mô hình vườn ca cao sản xuất theo quy trình UTZ Cetifed tại Dak Lak. |
Năm 2011, toàn tỉnh có 2.132 ha ca cao, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 440 ha, năng suất hạt khô đạt hơn 14 tạ/ha, sản lượng gần 629 tấn hạt khô lên men. Diện tích ca cao tăng nhanh chủ yếu từ năm 2007 đến nay, nhất là khi tỉnh triển khai dự án phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ do cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua tổ chức ACDI/VOCA, thực hiện trong 4 năm (2006-2010), với tổng kinh phí 961.000 USD. Dự án đã hỗ trợ nông dân trồng mới khoảng 560 ha tại các huyện Ea Kar, Lak và Ea H’leo, đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng và sơ chế lên men cho 3000 hộ. Thành công của dự án đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy diện tích ca cao phát triển theo hướng nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một số đơn vị như Công ty cà phê Krông Ana, Công ty cà phê Tháng 10, Công ty cà phê Buôn Hồ…đã thực hiện việc chuyển đổi số diện tích cà phê già cỗi, xa nguồn nước sang trồng cây ca cao, bước đầu đã có kết quả khá tốt.
Triển vọng từ một dự án
Trên cơ sở đó, Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam do Chính phủ Hà Lan cùng các doanh nghiệp nước này gồm: Rabobank, Mars, Cargill, IDH tài trợ, trước mắt sẽ triển khai ở Dak Lak rồi nhân rộng ra các tỉnh khác với thời hạn 3 năm (2012-2014), tổng kinh phí đầu tư gần 1,4 triệu EURO, trong đó vốn ODA trên 1,3 triệu EURO, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 24.000 EURO. Đây là tin vui cho người trồng ca cao trên địa bàn tỉnh, bởi với dự án này, cây ca cao Dak Lak sẽ được phát triển toàn diện, từ khâu nghiên cứu, lai chọn, tạo giống đến kỹ thuật, quy trình trồng trọt, chăm sóc và đặc biệt quy trình chế biến lên men sẽ được chuẩn hóa.
Mục tiêu chính của dự án là nâng cao chất lượng và giá trị cây ca cao trên một diện tích nhằm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nông dân và bảo vệ môi trường một cách bền vững. Cũng qua dự án sẽ tăng cường năng lực cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tham gia dự án quản lý trang trại một cách hiệu quả… để từ đó gia tăng sản lượng ca cao, cải thiện khả năng tiếp thị, tiếp cận thị trường cho người trồng ca cao thông qua hỗ trợ chứng nhận.
Theo đánh giá của anh Nguyễn Bá Dũng, nhân viên kỹ thuật của Công ty Cargill Việt Nam tại Dak Lak, thực tế có thể khẳng định cây ca cao trồng trên nhiều loại đất, nhiều vùng sinh thái của tỉnh đều phát triển khá tốt trong điều kiện cây có che bóng, chắn gió hợp lý… Chất lượng hạt ca cao lên men được các công ty thu mua trong và ngoài nước đánh giá tốt, được thị trường ưa chuộng vì cỡ hạt lớn, trung bình chỉ 80-100 hạt/100 gram; thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cao và khá ổn định. Theo đó, cơ hội cho sản phẩm ca cao của Dak Lak vươn ra thị trường ngoài nước là rất lớn vì nhu cầu trên thế giới vẫn còn khá cao, trong khi đó tiềm năng đất trồng phù hợp với cây ca cao ở Dak Lak còn bị bỏ trống lên đến hàng chục nghìn ha. Hiện dự án trên đã bắt đầu khởi động, có thể trong tháng 6-2012 sẽ được chính thức triển khai tại Dak Lak.
Được biết, dự án hợp tác lần này sẽ tiến hành điều tra, đánh giá các giống ca cao hiện đang trồng tại vùng Tây Nguyên để xây dựng và chọn lọc 2-3 mô hình sản xuất ca cao phù hợp, hiệu quả kinh tế cao, từ đó, nghiên cứu và đưa ra các biện pháp canh tác tối ưu, phù hợp nhằm tăng năng suất và chất lượng hạt ca cao để nhận ra diện rộng. Để đạt được mục tiêu trên, 4 Trung tâm phát triển ca cao sẽ được thành lập tại Dak Lak và khoảng 380 giảng viên sẽ được đào tạo để phục vụ cho chương trình. Trong 3 năm sẽ có 200 ha ca cao được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và 2.000 nông dân được đào tạo kỹ thuật sản xuất ca cao có chứng nhận. Ngoài ra, dự án sẽ thành lập 3-4 điểm trình diễn quy trình, kỹ thuật sấy, lên men ca cao để tập huấn cho khoảng 360 nông dân vùng dự án nhằm giúp họ tạo ra hạt ca cao thành phẩm chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc