Thu nhập khá từ nuôi dúi
Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công nhiều loại động vật hoang dã và có hiệu quả như: cá sấu, nhím, lợn rừng, gà sao, chồn hương…; trong đó nuôi dúi ở xã Ea Kpam là mô hình mang lại lợi nhuận khá cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 3, xã Ea Kpam là một trong những hộ đã nuôi thành công loại động vật hoang dã này. Trước đây, cũng như bao nông dân khác bên cạnh mô hình kinh tế vườn, để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ông Hùng đã nuôi thêm các loại vật nuôi như: dê, ba ba và cá trê… nhưng hiệu quả không được cao. Năm 2011, ông đã mạnh dạn mua 1 cặp dúi từ một trang trại ở huyện M’Drak về nuôi thử và nhân giống. Khi mới nuôi dúi để trang bị thêm kiến thức, ông Hùng đã chủ động tìm hiểu các tài liệu, sách báo nói về loại vật này cũng như tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhờ vậy nên cặp dúi hạn chế được dịch bệnh và phát triển tốt; sau 6 tháng nuôi, dúi cái đã bắt đầu sinh sản. Ông cho biết: Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Từ 1 cặp dúi ban đầu gia đình ông đã nhân lên được thêm 19 con dúi, sau 3 tháng nuôi thì có thể xuất bán, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 0,6 – 0,7 kg, với giá bán 900 nghìn đồng/con giống và 600.000 đồng/kg thịt. Vừa qua, gia đình ông đã xuất bán ra thị trường được 13 con dúi giống, thu về gần 12 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư lại không đáng kể.
Có thể nói, mô hình nuôi dúi là hướng đi mới trong chăn nuôi và mang lại hiệu quả, bởi dúi là loại động vật họ gặm nhấm sinh sống tự nhiên nên có sức đề kháng cao, công chăm sóc không nhiều, rất phù hợp với người lớn tuổi, không làm được những việc nặng nhọc. Hơn thế nữa chi phí đầu tư về chuồng nuôi, con giống và nguồn thức ăn không lớn, thức ăn cho dúi chủ yếu là tre, trúc, mía, ngô… Bên cạnh đó, thịt dúi lại thơm ngon và bổ dưỡng nên đầu ra khá tốt, hiện nay thương lái tận nơi để thu mua, giá bán lại cao. Do vậy nếu được nhân rộng thì đây sẽ là mô hình có nhiều hứa hẹn đem lại lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
T.D
Ý kiến bạn đọc