Thực hiện mô hình liên kết trồng rừng: Góp phần tái tạo rừng, tạo giá trị thu nhập cao
Những năm gần đây, mô hình liên kết trồng rừng giữa Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy (gọi tắt là Công ty lâm nghiệp Ea Wy) với người dân trên địa bàn huyện Ea H’leo đã thực sự phát huy hiệu quả, diện tích rừng trồng tăng hàng nghìn ha, góp phần giúp đồng bào có thu nhập ổn định từ rừng...
Nhờ thực hiện liên kết trồng rừng, nhiều hộ đồng bào DTTS đã sống được nhờ rừng. |
Mô hình trên được triển khai thực hiện từ năm 2002 theo hình thức giao khoán, ký hợp đồng trách nhiệm, các hộ tham gia liên kết ngoài việc được giao đất, rừng, còn được công ty cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật. Trước đó, công ty đã có các bước triển khai bài bản như cử kỹ sư chuyên ngành đi kiểm tra, rà soát, xác định lại toàn bộ diện tích đất ký kết với đồng bào địa phương. Những diện tích đất rừng do công ty quản lý nhưng bị người dân lấn chiếm trước đây, thay vì thu hồi, công ty đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ giao đất liên kết trồng rừng với họ. Ngoài ra, công ty còn tiến hành xác định tiêu chuẩn, độ phì, độ chua (PH) của đất, để đưa ra phương án trồng cây lâm nghiệp nào, vào thời điểm nào phù hợp nhất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả doanh nghiệp và người dân.
Để bảo đảm sự nhất quán trong các hoạt động liên quan đến việc trồng rừng, thu hoạch, chia lợi nhuận... phía công ty đều đưa ra bàn bạc với người dân một cách dân chủ công khai, bình đẳng cùng làm, cùng hưởng. Một chu kỳ (khoảng 3 năm) công ty hỗ trợ 15 triệu đồng tiền công chăm sóc, phân bón, cây giống (chủ yếu là keo lá tràm), đến khi thu hoạch, sẽ ưu tiên thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Các sản phẩm phụ, cây trung gian được trồng trên đất rừng người dân được thụ hưởng hoàn toàn.
Hộ ông Ngô Minh Hội, ở thôn 8, xã Ea Ral nhận trồng rừng liên kết 10 ha với công ty từ năm 2002, cho biết: gia đình ông được đầu tư cây giống, phân bón, được cán bộ kỹ thuật công ty đến tận nơi hướng dẫn cách trồng, chăm sóc; phía gia đình chỉ bỏ công trồng, chăm sóc, bảo vệ nên cũng tương đối nhàn. Đến nay, diện tích rừng trồng của gia đình đã cho khai thác, trung bình mỗi ha bán được khoảng 60 triệu đồng, chưa kể lợi nhuận thu thêm từ các loại cây ăn quả, hoa màu ngắn ngày trồng xen, bình quân mỗi năm, gia đình cũng thu hàng trăm triệu đồng từ đất rừng.
Cùng ở thôn 8, anh Phạm Ngọc Chơn trước đây thuộc diện khó khăn, từ khi nhận liên kết trồng hơn 5 ha rừng từ công ty, cuộc sống gia đình anh đã dần được cải thiện, đã mua sắm được ti-vi, xe máy; con cái có thêm điều kiện học tập.
Ông Lê Văn Dĩ, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Wy cho hay: đơn vị chủ động trong khâu giao khoán, liên kết trồng rừng với nông dân chứ không để doanh nghiệp bên ngoài vào thuê đất trồng rừng. Bởi nếu làm như vậy, người dân do lo sợ mất đất sản xuất sẽ phá rừng ồ ạt để chiếm đất. Ngoài ra, công ty còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đứng ra làm trọng tài, cầu nối trong quá trình thực hiện trồng rừng, bao tiêu sản phẩm giữa công ty và người dân để bảo đảm tính khách quan và tính pháp lý.
Đến thời điểm này, mô hình liên kết trồng rừng của Công ty lâm nghiệp Ea Wy đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ thu hút hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia, mà còn giúp họ ổn định đời sống, đẩy lùi đói nghèo, góp phần tái tạo rừng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ nương rẫy sang phát triển kinh tế rừng. Đặc biệt, qua mối liên kết trồng rừng kinh tế này, người nông dân đồng thời là những “công nhân” lâm nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về trồng rừng, từ đó có cơ hội phát huy cao nhất nội lực trong quá trình sản xuất, tạo ra giá trị thu nhập cao, hướng tới phát triển bền vững trên chính mảnh đất của họ.
L.V
Ý kiến bạn đọc