Multimedia Đọc Báo in

Xã Dur Kmăn (Krông Ana): Nhiều nông dân khốn đốn vì vay vốn lãi cao

05:46, 19/06/2012

Lâu nay, tình trạng cho vay nặng lãi ở  vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn là “cái gông” của những người nông dân nghèo. Do thiếu thông tin, không được hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính cần thiết để vay vốn ngân hàng hoặc không đủ điều kiện để được vay vốn, nên không ít người tìm đến tư nhân để vay và phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”.

Ở xã Dur Kmăn (Krông Ana), người nông dân rất khát vốn. Người dân ở các buôn Dur, buôn Kman, buôn Krang, buôn Krong, buôn Triết… có hàng nghìn héc-ta cây trồng các loại rất cần được đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất chất lượng và hiệu quả cao. Mấy năm gần đây, mặc dù giá tiêu, cà phê, điều, lúa nước tăng cao nhưng đi liền đó, giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư, phân bón, cây giống… cũng tăng theo, có khi tăng rất cao. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ thường thiếu vốn lại không có kế hoạch chi tiêu hợp lý nên luôn rơi vào tình trạng khó khăn về vốn. Nhiều hộ đã đi vay vốn làm ăn, tiêu dùng với mức lãi suất phổ biến khoảng 5%/tháng; không ít tư nhân cho vay theo ngày với mức lãi cao 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (nếu vay 10 triệu đồng, một tháng người vay phải trả cho chủ nợ tới 1,5 triệu đồng tiền lãi – tương đương 15%/tháng). Ông Ama H’Juil, Trưởng buôn Dur 1 cho biết: “Ở Buôn Dur 1, hiện nay để vay dù chỉ là 100.000 đồng cũng rất là khó đối với người nông dân. Các nhà buôn, nhà đầu tư chỉ cho vay theo lãi suất nóng từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu/ngày hoặc vay non (tức là chốt giá nông phẩm) như 200.000đồng/1 tạ lúa tươi, 400.000 – 500.000 đồng/1 tạ cà phê,  2.000 – 2.500/1 kg ngô… Cứ đến mùa là trả về cho nhà buôn và nhà đầu tư hết, rồi họ lại cho vay lại theo kiểu vay trên”.

Không chỉ vay lãi nóng để đầu tư cho lao động sản xuất,  hiện nay trên địa bàn xã Dur Kmăn, người nông dân nghèo còn đi vay tiền để đầu tư cho con cái ăn học. Nhiều hộ chỉ vay vài triệu đồng thôi mà tiền lãi hằng tháng phải trả đã là quá mệt. Không ít hộ nông dân, mùa gặt vừa xong thì cũng hết lúa gạo bởi lẽ họ phải bán để trả nợ và như vậy họ lại phải vay lãi mới để tiêu dùng và mùa sau họ lại phải bán lúa để trả nợ. Thật là một cái vòng luẩn quẩn đói-nghèo-nghèo-đói. Chị Amí Hoan ở buôn Dur 1 có 3 người con, diện tích cà phê và hoa màu không đáng kể, 2 vợ chồng là nguồn nhân lực lao động chính nhưng thường xuyên ốm đau. Vì vậy, để nuôi 3 người con đi học là cả một sự nỗ lực lớn lao. Chị Amí Hoan tâm sự: “Gia đình tôi khổ lắm, vì muốn con học hành có được ngành nghề nên đã vay non cà phê 20 triệu đồng/4 tạ, đến nay đã gần 7 tháng, số tiền này đã lên tới 41 triệu đồng cả gốc lẫn lãi”. Cũng vì vay lãi nóng và vay non lúa, cà phê, ngô mà gia đình chị Amí Hương ở buôn Dur 1 rơi vào cảnh tan đàn sẻ nghé. Chồng chán nản bỏ đi lấy người khác. Chị phải bán hết đất đai ruộng vườn, nhà cửa và nhờ họ hàng giúp đỡ nhưng vẫn không trả hết nợ. Sau đó, chị đi xuất khẩu lao động Malaysia với hy vọng sẽ trả được hết nợ nần, bỏ lại hai đứa con thơ, một đứa đang học lớp 6 và một đứa học lớp 3 cho ông bà ngoại chăm sóc.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Dur Kmăn có 169 hộ nghèo, chiếm 11,6% tổng số hộ toàn xã và rất nhiều trong số này -đã vay vốn đầu tư với lãi suất cao như vậy. Để giúp người dân thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, mong rằng chính quyền địa phương, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở địa phương cần tạo điều kiện hơn cho người dân vay vốn thoát nghèo; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và có những quy định thông thoáng hơn về thủ tục, tiêu chuẩn cho vay vốn.

 H’Jim Hmok 


Ý kiến bạn đọc